Đây còn là ngày hội để toàn dân tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, để pháp luật đến gần với dân hơn.
Sau 3 năm triển khai, Ngày Pháp luật Việt Nam đã được các bộ, ngành, địa phương hưởng ứng tích cực. Nhiều đơn vị đã nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo để việc triển khai trở nên thiết thực hơn, gần gũi hơn với đời sống xã hội. Nhiều mô hình mới đã ra đời xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Cụ thể, Liên đoàn Luật sư Việt Nam chỉ đạo các đoàn luật sư tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân; ngành thuế thực hiện Tuần lễ “Lắng nghe ý kiến người nộp thuế”; mô hình “Tiết học pháp luật” tại Long An; “quán cà phê pháp luật” tại Cần Thơ...
Một trong những điểm nhấn quan trọng hưởng ứng Ngày Pháp luật năm nay là Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III. Đây là dịp để phát hiện, biểu dương các hòa giải viên xuất sắc, tạo cơ hội cho các hòa giải viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của công tác hòa giải. Hội thi cũng đã đem lại hiệu ứng, sức lan tỏa trong toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chia sẻ, để Ngày Pháp luật trở thành một nội dung được quy định trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã mất khá nhiều thời gian, công sức nhưng để giữ Ngày Pháp luật ngày càng được xã hội thừa nhận, tôn vinh, không bị “nhạt” mới quan trọng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, để Ngày Pháp luật được tổ chức hiệu quả, thiết thực, thực sự thu hút cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân, cần chú trọng thực hiện các giải pháp. Cụ thể, trước tiên phải đổi mới và đa dạng nội dung, hình thức tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật, tránh phô trương, hình thức. Thứ hai, chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật bằng các hình thức, biện pháp phù hợp. Thứ ba, phải huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia, tạo thành phong trào xã hội rộng lớn để tổ chức thực hiện với sự hỗ trợ của Nhà nước; phát huy vai trò của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực pháp luật. Thứ tư, tập trung đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực pháp luật, pháp chế, tư pháp; thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ T.Ư đến cơ sở, bảo đảm nắm vững pháp luật để hướng dẫn tư vấn, giải thích, thuyết phục và vận động Nhân dân chấp hành pháp luật; tuân thủ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay, vào dịp chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô, Ngày truyền thống luật sư Việt Nam (10/10) và Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã chỉ đạo các đoàn luật sư tổ chức trợ giúp pháp lý cho Nhân dân từ đầu tháng 10 đến hết ngày 9/11. Đây cũng là trách nhiệm của mỗi luật sư, theo quy định của Luật Luật sư. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho Nhân dân đã giúp bà con hiểu rõ các quy định của pháp luật để thực hiện tốt công cuộc xây dựng cuộc sống văn minh, dân chủ, góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.
Sáng 8/11, tại cuộc tọa đàm “Nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2016” do UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức, Trưởng Phòng Tư pháp quận Hoàng Thị Bích Diệp cho biết: Hoạt động hòa giải tại 20 phường của quận gần đây chuyển biến tích cực. 10 tháng qua, trên địa bàn phát sinh 112 vụ việc mâu thuẫn, trong đó đã hòa giải thành công 99 vụ việc, đạt 88,4%. Qua đó, giúp giảm bớt các việc phải chuyển đến Tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và Nhân dân, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, phát triển kinh tế - xã hội địa phương... (Linh Nguyễn) |