Giờ đây, tuy người dân đi xe buýt đã khá nhiều, nhưng vẫn chưa đủ để giảm áp lực cho giao thông. Tất cả cũng chỉ gói gọn trong ba chữ “ngại, kém và sợ”. Ngại đi xe buýt, kém ý thức và sợ bị chê bai.
Hành động thân thiệnHẳn nhiều người nghĩ rằng, phải hiện đại, phải kỹ thuật cao như ở Nhật, xe buýt mới trở thành phương tiện chính của người dân, tuy nhiên, sự thật hoàn toàn không như chúng ta tưởng. Xe buýt ở Nhật cơ bản giống Việt Nam. Chúng không tiện nghi hơn, không hiện đại hơn và công nghệ không quá cao siêu, cũng những hàng ghế sát nhau. Còn nếu so sánh lượng người lên xe, xe buýt ở Việt Nam chưa là gì so với ở Nhật.
Hiện nay, Nhật Bản đã giải quyết được tình trạng ùn tắc trong những TP lớn và thành công nhất chính là toàn dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Nói thì dễ, song để làm được điều đó nước Nhật đã phải mất vài chục năm từ xây dựng kế hoạch, làm theo lộ trình khoa học, đến tích cực vận động toàn dân. Người dân Nhật thích đi xe buýt, vì họ thấy xe buýt thoải mái hơn xe cá nhân rất nhiều.
|
Người dân đi xe buýt tại Bến xe Long Biên. Ảnh: Quỳnh Linh |
Điều đó khác hẳn với ở Việt Nam. Hiện nay, hầu hết người dân vẫn không thích đi xe buýt vì chật, phải chen chúc và sợ bị móc túi, rồi bị tài xế và phụ xe đối xử thiếu văn hóa. Xe buýt ở Nhật không tồn tại những điều đó. Có thể chật nhưng ai cũng nhường nhau. Sang Nhật, bất ngờ không chỉ vì tài xế lịch sự, luôn miệng cúi chào và cảm ơn khách, mà còn vì các hành khách khác sẵn sàng giúp đỡ nhau, nhất là giúp người già, phụ nữ, trẻ em và khách du lịch. Trên xe không một tiếng ồn, ai cũng làm việc riêng của họ như đọc sách, nhắn tin hay nghỉ ngơi. Khi có người già lên xe, người trẻ tự giác nhường chỗ.
Nhìn giao thông công cộng ở một nước phát triển, rồi so sánh sẽ luôn băn khoăn trước câu hỏi: "Bao giờ Việt Nam được như họ?". Chúng ta sẽ làm được, khi chúng ta xây dựng được văn hóa xe buýt, được toàn dân tạo ra và khi ai cũng muốn đi xe buýt, ùn tắc sẽ được giải quyết cơ bản.
Đi xe buýt… là văn minhNhìn người lại ngẫm đến ta: “Ngại, kém và sợ”. Khi làm một cuộc khảo sát nhỏ là hỏi 100 người thường xuyên đi xe buýt ở Hà Nội, có cả sinh viên và người đi làm, kết quả thật đáng suy ngẫm: Hơn 80% trong số đó không muốn nói về chuyện mình đi xe buýt đi học hay đi làm vì… ngại.
Để giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc hiện nay, bên cạnh việc phát triển lượng xe buýt và tuyến đường, việc cần làm là xây dựng văn hóa xe buýt, để người dân thích đi xe buýt. Phải kéo được lượng lớn người đi xe máy sang sử dụng xe buýt. Muốn vậy, phải thay đổi suy nghĩ “sợ” xe buýt đã ăn sâu vào tâm lý phần lớn người dân hiện nay.
Trước tiên, nên xây dựng một phong trào, một chương trình rộng khắp cả nước, đặc biệt ở các TP lớn về văn hóa xe buýt. Phải làm mạnh, làm cứng trên cả hai mặt trận: Một là giáo dục cho những người đang trực tiếp tạo ra không khí trên xe buýt, đó là lái xe, phụ xe và hành khách. Cần quy định rất cụ thể, chi tiết những gì được làm và không được làm khi đi xe buýt. Đặc biệt, những người đầu tiên phải tuân thủ là lái xe và phụ xe, họ sẽ lan tỏa được ý thức đến với hành khách, thu hút được nhiều người muốn đi xe buýt.
Thứ hai, tăng cường giáo dục ngay cho thế hệ trẻ, cho học sinh về xây dựng văn hóa giao thông, nhấn mạnh tầm quan trọng của chính các em về xây dựng văn hóa trên xe buýt. Cần lấy chính những hình ảnh, bộ phim hay xuất bản các sách, truyện về văn hóa xe buýt ở các nước phát triển như Nhật Bản làm tài liệu giáo dục các em, gieo vào tâm trí các em nền tảng văn hóa giao thông sau này.
Việc xây dựng ý thức văn hóa giao thông, trong đó có ý thức sử dụng và tạo dựng văn hóa giao thông công cộng không thể nói là làm được ngay. Nhưng, nếu chúng ta không quyết liệt làm ngay từ bây giờ, thì một hệ thống giao thông công cộng phổ cập và văn minh sẽ chỉ là mơ ước và nạn ùn tắc vẫn xuất hiện thường xuyên trên đường phố.