Công trình xây dựng sai phép tại 8B Lê Trực. Ảnh: Hải Linh |
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC vừa tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sau khi đã chỉnh lý, bổ sung. Tuy nhiên, việc bổ sung thêm một biện pháp cưỡng chế trong xử lý VPHC là ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước vẫn có những quan điểm khác nhau.
Nhiều ý kiến không đồng tình với quy định này. Bởi theo báo cáo bổ sung của Bộ Tư pháp, tổng số xử phạt VPHC phải ra quyết định cưỡng chế là rất ít, chiếm chưa đến 1% tổng số quyết định xử phạt. Hơn nữa, trong hồ sơ Dự án Luật cũng không có số liệu thống kê bao nhiêu vụ việc đã áp dụng hết các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật Xử lý VPHC hiện hành mà vẫn không hiệu quả. Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng, điện, nước là nhu cầu thiết yếu, nên nếu áp dụng biện pháp này thì không chỉ tác động đến cá nhân, tổ chức trực tiếp vi phạm mà còn tác động tiêu cực đến các cá nhân, tổ chức khác có liên quan. Trong khi đó, chính sách này cũng chưa được đánh giá tác động theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình, thực tế hiện nay có nhiều biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC được áp dụng, song tình trạng chây ì, trốn tránh thực hiện vẫn chưa được khắc phục hiệu quả. Trong khi đó, việc cung cấp dịch vụ điện, nước đang được thực hiện theo hợp đồng dân sự giữa đơn vị cung cấp và cá nhân, tổ chức sử dụng, do vậy, cơ quan chức năng không thể can thiệp sâu. Nếu áp dụng biện pháp cưỡng chế theo đề xuất của Dự luật, cần rà soát hợp đồng dân sự về việc cung cấp các dịch vụ này. “Cần có các biện pháp để khuyến khích xử phạt, nộp phạt thông qua tài khoản cá nhân, thay vì sử dụng tiền mặt như hiện nay”- Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình đề xuất.
Thu hẹp phạm vi và đề xuất hai phương án
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, hiện đang áp dụng một số hình thức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC như tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động… song một số tổ chức, cá nhân vi phạm vẫn không chấp hành. Nếu áp dụng biện pháp cưỡng chế như đề xuất của Chính phủ sẽ tăng hiệu quả quản lý Nhà nước và đáp ứng được một số trường hợp chây ì trong xử lý hành vi vi phạm. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng thừa nhận, nếu áp dụng theo phương án được trình như Dự luật ban đầu, phạm vi ảnh hưởng sẽ rộng và quy định chưa cho thấy rõ sự dứt khoát. Vì thế, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, Chính phủ đề xuất khu trú phạm vi áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trong hai lĩnh vực xây dựng và bảo vệ môi trường. Việc áp dụng hai biện pháp này cũng phải đáp ứng điều kiện rất khắt khe như tại nơi vi phạm và phải tuân theo nguyên tắc không ảnh hưởng đến quyền lợi của người trực tiếp vi phạm và người thứ ba.
Dẫn ra thực tế còn một bộ phận người dân chây ì trong thực hiện quyết định xử phạt VPHC, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, tình trạng này có nguyên nhân từ cả phía người dân và cơ quan chức năng chưa sử dụng hết thẩm quyền của mình trong quá trình phát hiện, ngăn ngừa, xử lý, xử phạt hành vi vi phạm. Do vậy, hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp này nếu chỉ khu trú trong hai lĩnh vực xây dựng và bảo vệ môi trường, cũng như chỉ áp dụng bằng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Do các luồng ý kiến vẫn khác nhau với những lý lẽ riêng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quuyết định sẽ trình ra Quốc hội 2 phương án để xin ý kiến. Phương án 1 là không bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 86 về biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước. Phương án 2 bổ sung “Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước” và việc áp dụng phải tuân thủ các nguyên tắc: Thực hiện tại địa điểm vi phạm; Để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường có áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động có thời hạn; Việc ngưng cung cấp các dịch vụ điện, nước không làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.