Đề xuất chi hơn 256.000 tỷ đồng đầu tư phát triển văn hóa

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 3/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế 

Trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình là hơn 256.000 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035

Theo đó, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp được bố trí tối thiểu khoảng 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%), gồm vốn đầu tư phát triển là 50.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 27.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (24,6%) gồm vốn đầu tư phát triển là 18.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 12.250 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng.

 

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết.

Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình phát triển văn hóa dự kiến là hơn 256.000 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỷ đồng, giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng.

Dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng. 

Thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035, chia làm các giai đoạn cụ thể. Năm 2025 sẽ thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.

Giai đoạn 2026-2030 sẽ tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến 2030. Giai đoạn 2031-2035, tiếp tục phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến 2035.

Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, chương trình đặt ra mục tiêu cụ thể, với nhiều mục tiêu đáng chú ý. Theo đó, đến năm 2030 sẽ hoàn thành 100% việc xây dựng và ban hành các bộ quy tắc ứng xử, phù hợp với đặc điểm địa phương và nguyên tắc bình đẳng giới về môi trường văn hóa. 

100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ ba loại hình thiết chế văn hóa, 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa-Thể thao đạt chuẩn. 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV
Quang cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV

Ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo. Hàng năm có từ 10-15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố. 80% công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ sỹ thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn…

Đến năm 2035, chương trình đề ra một số mục tiêu cụ thể. Trong đó, phấn đấu 90% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, bình đẳng giới, hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã. 100% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 80% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo…

Nghiên cứu quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước đối với khu vực tư nhân

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình như Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình của Chính phủ. Trong đó, việc đầu tư Chương trình ở thời điểm hiện nay sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra

Tuy nhiên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị rà soát các đối tượng thụ hưởng của Chương trình theo hướng khái quát hơn nhưng không bỏ sót đối tượng và tránh trùng lặp. Rà soát cơ sở pháp lý của các đối tượng thụ hưởng để quản lý chặt chẽ nguồn lực đầu tư.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tổng mức đầu tư và cho rằng việc Chính phủ thống nhất đề xuất bố trí nguồn lực lớn để thực hiện Chương trình đã cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa.

Liên quan ý kiến cho rằng tổng số vốn dự kiến dành cho Chương trình là khá lớn, cao hơn so với các Chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang thực hiện. Do vậy, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ để xác định tổng mức vốn của Chương trình.

Với mức bố trí vốn ngân sách trung ương cho Chương trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cơ bản nhất trí. Hội đồng thẩm định quốc gia xác nhận đây là mức có thể chấp nhận được, nằm trong khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.

Về bố trí ngân sách địa phương, có nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương chiếm 24,6% là cao, khó thực hiện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Do đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị làm rõ hơn căn cứ xác định tỷ lệ vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương; làm rõ hơn cơ sở xác định cơ cấu vốn đối ứng từ ngân sách địa phương. Đồng thời, đánh giá sát hơn khả năng huy động nguồn vốn ngân sách địa phương và tính toán đề xuất mức bố trí ngân vốn sách địa phương phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.

Đối với nguồn huy động hợp pháp khác, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đề nghị làm rõ căn cứ và tính khả thi của việc xác định tổng nguồn vốn huy động hợp pháp thực hiện Chương trình. Đồng thời, xác định rõ các nhiệm vụ, dự án có khả năng sử dụng nguồn lực xã hội hóa, đồng thời, nghiên cứu quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước đối với khu vực tư nhân, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.