Ngày 31/1, tại tại Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Văn Dành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, hành lang Đông Nam Bộ là trục kinh tế chính của Vùng, nối từ Tây Nguyên, qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, đến cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Hiện tại, TP Hồ Chí Minh đã phát triển gần lấp đầy đến đường vành đai 2. Do đó, khoảng giữa vành đai 3 và vành đai 4 là khu vực phù hợp nhất để phát triển công nghiệp, cơ sở hạ tầng quốc gia và của Vùng.
Tại Bình Dương, địa phương giáp ranh với TP hồ Chí Minh, cơ sở hạ tầng đã và đang được đầu tư phát triển nhanh, đô thị công nghiệp đã lấp đầy đến đường vành đai 3, không gian đang phát triển nhanh đến vành đai 4 và hiện theo nghiên cứu, đề xuất của đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thì vùng TP Hồ Chí Minh cần thêm một đường vành đai 5 để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Ông Dành cũng cho biết, hiện nay Chính phủ cũng đã có quyết định đầu tư dự án cao tốc Chơn Thành – Gia Nghĩa, cao tốc TP Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, Quốc lộ 13C, nên cần phải tính toán dần đường vành đai 5 nhằm kết nối Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên.
"Do đó nếu không có hướng đầu tư vành đai 5 TP Hồ Chí Minh từ sớm, từ xa thì Bình Dương sẽ trở thành điểm nghẽn lớn khi các trục giao thông lớn đổ về đây. Cho nên phải cập nhật quy hoạch đường Vành đai 5" - ông Dành chia sẻ.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng đề xuất cần nhanh chóng kéo giãn hành lang vận tải lên phía Bắc, theo đường vành đai 4, vòng qua Tân Uyên, Biên Hòa và đấu nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; bổ sung đoạn khuyết từ Tân Uyên đến Biên Hòa. Luồng vận tải công nghiệp sẽ theo cao tốc, quốc lộ, đại lộ, rẽ vào vành đai 4 để cung cấp tài nguyên cho trục kinh tế Đông Nam bộ, thay thế các luồng vận tải trước nay đi theo vành đai 2 và 3.