Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất người đủ điều kiện hưởng lương hưu không được nhận trợ cấp thất nghiệp

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Để hạn chế gian lận và trục lợi chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Bộ LĐTB&XH đề xuất bổ sung quy định người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đề nghị quy định rõ người đủ điều kiện hưởng lương hưu

Tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), cơ quan soạn thảo Bộ LĐTB&XH đề xuất các chế độ bảo hiểm thất nghiệp như đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất sửa đổi chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng người lao động khuyết tật.

Bộ LĐTB&XH đề xuất quy định người đủ điều kiện hưởng lương hưu không được nhận trợ cấp thất nghiệp. 
Bộ LĐTB&XH đề xuất quy định người đủ điều kiện hưởng lương hưu không được nhận trợ cấp thất nghiệp. 

Đáng chú ý, để hạn chế gian lận và trục lợi chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐTB&XH đề xuất bổ sung trường hợp không đủ điều kiện được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, đó là: người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu.

Đề xuất người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu của Bộ LĐTB&XH nhận được nhiều sự quan tâm và góp ý. Theo đó, UBND tỉnh Lạng Sơn, Sở LĐTB&XH các tỉnh Thái Nguyên, Long An, TP Hà Nội đề nghị Bộ LĐTB&XH quy định rõ ràng trường hợp “Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu”. Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ hẳn quy định điều kiện người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu.

Với đề nghị của các tỉnh, sở LĐTB&XH, DN về trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu, Bộ LĐTB&XH phản hồi giữ nguyên đề xuất trong dự thảo. Lý do bởi quy định như vậy sẽ nhằm loại trừ các trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu (điều kiện đủ về số năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội) nhưng chưa có nhu cầu hưởng chế độ hưu trí. Đồng thời, Bộ LĐTB&XH tiếp thu và bổ sung theo hướng “người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc”.

Người lao động thực sự mất việc làm thì được trợ cấp thất nghiệp

Cơ quan soạn thảo Bộ LĐTB&XH cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, DN về việc tạo điều kiện cho người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị xem xét bổ sung trường hợp người lao động có tham gia bảo hiểm thất nghiệp làm việc trong các DN có đại diện theo pháp luật bị tạm giam (chưa có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền) nhưng không có người thay thế, điều hành sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc tại DN.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đang tư vấn cho người lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Trần Oanh.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đang tư vấn cho người lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Trần Oanh.

ManpowerGroup Việt Nam đề nghị Bộ LĐTB&XH xem xét quy định theo hướng “Người thất nghiệp” là được hưởng trợ cấp thất nghiệp, không phân biệt lý do. Dù bất kỳ lý do nào, khoản bảo hiểm này đều mang tính bù đắp cho người lao động khoản thu nhập bị mất do mất việc làm. ManpowerGroup Việt Nam cho rằng, trường hợp quy định cụ thể lý do chấm dứt hợp đồng như sa thải, bị xử lý kỷ luật... sẽ làm hạn chế cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động.

Đối với đề nghị của UBND TP Hồ Chí Minh, Bộ LĐTB&XH cho biết sẽ tiếp thu và bổ sung vào dự thảo các trường hợp đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Bộ LĐTB&XH đề xuất giữ nguyên điều kiện hưởng. Đồng thời nêu rõ quan điểm: cần phân biệt về lý do chấm dứt hợp đồng lao động nhằm loại trừ được các trường hợp người lao động bị sa thải do vi phạm pháp luật hoặc điều lệ công ty (phá hoại, tự ý bỏ việc,...) để thực sự hỗ trợ cho người lao động gặp rủi ro về việc làm, hạn chế việc lạm dụng chính sách.

Nhiều năm làm quản lý và nghiên cứu chính sách bảo hiểm xã hội, TS Phạm Đình Thành – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng: Chính sách bảo hiểm thất nghiệp không phải là chính sách mà bất cứ người lao động nào cũng muốn được hưởng. Ví dụ như đội ngũ viên chức nhà nước luôn đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng hầu như không khi nào hưởng. Đây là chính sách mà người có việc làm hỗ trợ người mất việc làm. Cũng tương tự như chế độ bảo hiểm y tế, người đóng không mong muốn ốm đau để được hưởng.

Vì thế, TS Phạm Đình Thành đề nghị Bộ LĐTB&XH cần làm rõ đối với những người lao động thực sự mất việc làm để được hưởng trợ cấp thất nghiệp với người lạm dụng trợ cấp thất nghiệp để được hưởng.