Sinh viên làm thêm vừa có thu nhập, lại được trải nghiệm
Ưu thế của sinh viên là tuổi trẻ, có sức khỏe tốt và nhiệt huyết trong công việc nhưng lại không có nhiều thời gian để làm việc. Tận dụng nguồn lao động chất lượng này, nhiều DN tuyển dụng sinh viên vào làm việc bán thời gian (part time).
Tại Ngày hội việc làm năm 2024 do Học viện Phụ nữ Việt Nam và Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức ngày 2/4 có 46 DN tham gia tuyển dụng trên hệ thống Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội (21 đơn vị tham gia trực tiếp tại Học viện Phụ nữ Việt Nam) với 2.265 chỉ tiêu, đa dạng vị trí việc làm. Các DN đưa ra nhiều phân khúc lương khác nhau, trong đó mức lương 5 – 7 triệu đồng/tháng có 612/2.265 chỉ tiêu phù hợp với những vị trí việc làm thời vụ - bán thời gian dành cho sinh viên.
Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam PGS.TS Dương Kim Anh chia sẻ: Ngày hội việc làm chính là cầu nối giữa Học viện với các đơn vị tuyển dụng, giúp sinh viên có thêm kiến thức, kỹ năng để bước vào thị trường lao động trong tương lai. Cũng như, một số em có việc làm thêm, thu nhập hỗ trợ cuộc sống, áp dụng kiến thức, kỹ năng học tập ở trường để làm quen với công việc chính thức sau này. “Trong thời lượng học tập chương trình cử nhân hơn 120 tín chỉ của sinh viên, chúng tôi luôn xác định việc học phải là chính. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến khích các em đi làm thêm để có cơ hội trải nghiệm” – cô Dương Kim Anh nói.
Trong thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Học viện Phụ nữ Việt Nam để triển khai các chương trình hỗ trợ sinh viên thực tập, đào tạo kỹ năng mềm, tổ chức phiên giao dịch việc làm, giới thiệu – kết nối việc làm cho sinh viên làm việc tại các DN. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho hay, việc tổ chức Ngày hội việc làm năm 2024 là cơ hội cho đoàn viên thanh niên, sinh viên và người lao động được tiếp cận thông tin về nhu cầu tuyển dụng của DN, được tư vấn, giới thiệu và định hướng việc làm, kỹ năng phỏng vấn, chính sách pháp luật.
Chỉ nên khuyến khích sinh viên làm việc 20 giờ/tuần
Tại Ngày hội việc làm năm 2024, đề xuất của Bộ LĐTB&XH trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) về việc học sinh, sinh viên đủ độ tuổi lao động được làm việc nhưng không quá 20 giờ trong 1 tuần trong một kỳ học, được lãnh đạo nhà trường, sinh viên và DN quan tâm, trao đổi.
Đối với nhiều sinh viên, đi làm thêm giúp các em có thu nhập để trang trải cuộc sống lại được trải nghiệm các kỹ năng. Sinh viên H.T.H. đang học năm thứ hai Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: “Ngoài thời gian học, em đi bán đồ ăn ở quán hàng mỗi ngày 5 giờ, tiền lương 20.000 đồng/giờ, mỗi tuần làm từ 5 – 7 buổi. Tiền lương mỗi tháng được 2 – 2,5 triệu đồng góp phần chi tiêu cuộc sống hàng ngày. Bộ LĐTB&XH đề xuất sinh viên làm thêm không quá 20 giờ/tuần thì hơi ít, thu nhập sẽ bị giảm đi không đủ trang trải cuộc sống...”.
Anh Đỗ Hoàng Giang là giám sát tuyển dụng và đối tác nhân sự của Công ty TNHH Vòng tròn đỏ cho rằng: "Theo quan điểm DN như công ty chúng tôi ký hợp đồng lao động thì thực hiện đúng quy định về thời gian làm việc đối với người lao động như trong quy định của Bộ luật Lao động. Nhưng, đứng về phía quan điểm của người đi làm, nếu quy định giới hạn giờ làm thêm của sinh viên sẽ hạn chế khả năng muốn kiếm thêm thu nhập và học hỏi thêm kinh nghiệm trong ngành của các bạn. Vì thế, Bộ LĐTB&XH nên đề xuất một giải pháp chung, nghĩa là chỉ khuyến khích sinh viên làm việc 20 giờ/tuần, còn việc sử dụng thời gian ra sao hãy để sinh viên và chủ sử dụng lao động tự thỏa thuận.
Trước những ý kiến cho rằng, nếu quy định sinh viên làm thêm không quá 20 giờ/tuần sẽ không đủ chi phí cho cuộc sống, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn phải tự lo học phí và sinh hoạt hàng ngày, cô Dương Kim Anh cho rằng, đề xuất sinh viên làm việc 20 giờ/tuần là phù hợp. Thực tế, đã có những trường hợp sinh viên do điều kiện gia đình hoặc mải mê đi làm thêm, khi lên lớp ngủ gật, ảnh hưởng đến việc học. Các trường đại học ở nước ngoài cũng quy định sinh viên đến du học được phép làm việc một tuần không quá 20 giờ.
“Bên cạnh quy định sinh viên làm thêm không quá 20 giờ/tuần, chúng ta nên có chính sách, biện pháp hỗ trợ tăng thu nhập hoặc cơ hội khác cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Vì một chính sách không thể giải quyết được mọi vấn đề” – PGS.TS Dương Kim Anh nói.