Đề xuất xây 6 cầu vượt sông Hồng, sông Đuống: Tăng kết nối giao thương

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ xây dựng 6 cây cầu vượt sông Hồng và sông Đuống.

Với tổng mức đầu tư lên đến gần 57.000 tỷ đồng, TP cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm thu hút nguồn lực xã hội hóa cho các công trình này.
Việc xây dựng cầu qua sông Hồng, sông Đuống không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển giao thông, tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị, mà còn tăng mạnh kết nối giao thương, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội.
Liên kết chuỗi đô thị phía Bắc
Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 18 cây cầu vượt sông Hồng và 8 cầu vượt sông Đuống. Trong số đó, 6 cây cầu có vai trò vô cùng quan trọng đang được TP hướng đến xây dựng gồm: Tứ Liên, Thượng Cát, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Trần Hưng Đạo, Đuống 2 và Giang Biên.

Cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống. Ảnh: Vũ Toàn

Dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo có điểm đầu tại nút giao giữa đường Trần Hưng Đạo với đường Lê Thánh Tông (Hoàn Kiếm); kết thúc tại nút giao cắt với đường Long Biên - Thạch Bàn (Long Biên). Chiều dài cầu theo dự kiến khoảng 3km, mặt cắt ngang 20m; tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng. Dự án được đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện theo hình thức đối tác công tư, loại hợp đồng BT. Để đối ứng nguồn vốn xã hội hóa huy động cho Dự án, Hà Nội đã chuẩn bị quỹ đất tại các xã: Dương Xá 34ha, Đông Dư 78,4ha (đều thuộc huyện Gia Lâm). Ngoài ra còn có quỹ đất tại các phường Long Biên và Cự Khối (Long Biên) với 320ha và quỹ đất bổ sung ngoài bãi sông Hồng có khả năng khai thác trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch mở rộng tới sát mép nước khoảng 135ha.
Để kết nối chuỗi đô thị phía Bắc với trung tâm TP còn có cây cầu Vĩnh Tuy hiện đã hoàn thành giai đoạn 1, giai đoạn 2 đang được đề xuất thực hiện tiếp trong nay mai. Theo đó, giai đoạn 2, Hà Nội sẽ xây dựng thêm một cây cầu nữa với thiết kế và hình dáng giống hệt cầu Vĩnh Tuy hiện nay, vị trí sát bên phải, hướng trung tâm TP đi Long Biên. Hợp phần này vẫn sẽ được thiết kế vĩnh cửu, tổng chiều dài khoảng 3,5km, bề rộng thông thuyền 80m, tổng mức đầu tư khoảng 2.561 tỷ đồng. Hợp phần này trước đây được xác định đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách TP, tuy nhiên đã phải trì hoãn do Chính phủ siết chặt đầu tư công giai đoạn 2013 - 2015. Hiện Dự án đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận điều chỉnh hình thức đầu tư theo loại hợp đồng BT.
Kỳ vọng khép kín Vành đai 3,5
Trên thực tế, Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy đã được tính toán để khớp thêm với cầu Giang Biên bắc qua sông Đuống, thông đến tỉnh Bắc Ninh và đấu nối vào Vành đai 3. Hướng kết nối này cũng sẽ thu ngắn khoảng cách từ cầu Vĩnh Tuy đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Cầu Giang Biên có chiều dài 5,4km, mặt cắt 40m, tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng. Dự án này cũng được đề xuất thực hiện theo loại hợp đồng BT, Hà Nội đã dự trù quỹ đất thanh toán đối ứng tại các ô quy hoạch số 5 - 4 và 7 - 2 phân khu đô thị N9, xã Đình Xuyên, xã Phù Đổng (Gia Lâm).
Cũng nhằm kết nối khu vực trung tâm TP, từ Tây Hồ đến Đông Anh và cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên còn có cây cầu Tứ Liên với tổng chiều dài 3km, mặt cắt 29,5m và đường nối từ cầu đến cao tốc dài 9km, mặt cắt 60m. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 17.000 tỷ đồng, được đề xuất thực hiện theo loại hình hợp đồng BT; dự trù quỹ đất đối ứng 96ha tại các ô quy hoạch số: 4 - 5 của phân khu đô thị N9 xã Yên Thường (Gia Lâm).
Một trong những tuyến đường đang chịu áp lực giao thông lớn nhất của Hà Nội là Vành đai 3. Để giảm tải cho Vành đai 3 và QL32, Hà Nội đang rất kỳ vọng vào việc kết nối các đoạn tuyến có sẵn của Vành đai 3,5. Trong đó, cây cầu Thượng Cát giữ vai trò rất quan trọng, là mảnh ghép thiết yếu trên “trục lõi” từ cửa ngõ Tây - Bắc sang phía Nam Thủ đô. Dự án cầu Thượng Cát sẽ bao gồm cả đường dẫn hai đầu cầu, dài 4,5km, mặt cắt 60m, tổng mức đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng, được đề xuất thực hiện theo cả 2 hình thức BT và BOT. Điểm đầu cầu khớp nối với Dự án đường Vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát - QL32. Điểm cuối tại vị trí nút giao với đường khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long tại xã Đại Mạch (Đông Anh). Sự hiện diện của cầu Thượng Cát sẽ rút ngắn khoảng cách từ khu vực Bắc Từ Liêm, Hoài Đức đến KCN Bắc Thăng Long và QL5 kéo dài.
Cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh có chiều dài 4,7km (cầu dài 0,5km), mặt cắt từ 33 - 48m, tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng, được đề xuất thực hiện theo loại hợp đồng BOT. Cầu Đuống 2 có vị trí song song với cầu cũ nhằm tăng cường năng lực giao thông và giảm tải cho cây cầu cũ đã xuống cấp trầm trọng.