Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đến 2030, thương mại số có thể mang lại 953.000 tỷ đồng cho Việt Nam

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo "Cách mạng dữ liệu: Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội thương mại trên nền tảng số ở trong và ngoài nước như thế nào" của Công ty AlphaBeta đưa ra tại hội thảo “Cách mạng dữ liệu: Thương mại trên nền tảng số và cơ hội cho Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Ciem) tổ chức sáng nay 26/3.

Báo cáo "Cách mạng dữ liệu: Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội thương mại trên nền tảng số ở trong và ngoài nước như thế nào" của Công ty AlphaBeta đưa ra, thương mại trên nền tảng số tạo ra cho nền kinh tế quốc nội giá trị kinh tế lên đến 81.000 tỷ đồng vào năm 2017 tại Việt Nam và tiềm năng có thể tăng lên đến 953.000 tỷ đồng vào năm 2030. Bên cạnh đó, giá trị của xuất khẩu kỹ thuật số cũng đã mang lại 97.000 tỷ đồng; dự kiến tiềm năng của kỹ thuật số sẽ tăng 570% đến trước năm 2030, với giá trị 652.000 tỷ đồng.
 Ông Konstantin Matthies, đại diện Công ty AlphaBeta cho rằng, thương mại toàn cầu bền vững sẽ tạo ra sự gắn kết tích cực giữa mọi người và các quốc gia; đồng thời, hỗ trợ cho phát triển kinh tế bền vững.
 
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Việt Nam đang khao khát vươn lên, phát triển mạnh mẽ hơn. Cách đây 2 năm chỉ số sáng tạo của Lào xếp hạng cao hơn Việt Nam làm cho chúng ta tỉnh hơn, thấy phải cố gắng nhiều hơn.
Bà Lan chỉ ra 3 rào cản lớn với Việt Nam. Thứ nhất là cơ sở dữ liệu.  Nói đến thương mại số, dữ liệu là số 1, đến nay mới Hà Nội và TPHCM triển khai về dữ liệu số. Hiện nay đang thiếu vắng khung pháp lý cho dữ liệu mở, năng lực chuyên môn của khu vực công, sự quan tâm chưa đồng đều của các cấp lãnh đạo và sự phối hợp của các Bộ, ngành và chính quyền các cấp. Thách thức là làm sao để Việt Nam có thể có thứ hạng cao về trí tuệ nhân tạo (AI), để ứng dụng nó nhiều hơn vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Để làm được điều này thì cần phải có một cơ sở dữ liệu lớn được chia sẻ rộng khắp từ các bộ, ngành trong khi thực tế  vẫn còn hiện tượng “cát cứ” về dữ liệu khiến việc phát triển AI tại Việt Nam còn gặp khó.
Thứ hai là về pháp luật, từ 2015 trở lại đây, Việt Nam đưa ra một loạt khuyến khích phát triển công nghệ cao, thúc đẩy các DN ứng dụng công nghệ… Tuy nhiên căn bệnh hệ thống pháp luật của ta vẫn chưa nhất quán, thiếu tính ổn định, thiếu khả thi. Để làm được điều này, yêu cầu số một của Việt Nam là sắp xếp và ban hành lại thể chế về thương mại điện tử thay cho một mớ luật cũ chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn nhau.
Bên cạnh đó là hệ thống thanh toán điện tử, nhiều người dân, DN còn sử dụng tiền mặt, nếu không có công cụ thanh toán tốt thì rất khó.
 Một rào cản nữa là tập quán kinh doanh hay văn hoá kinh doanh, 98% DN của Việt Nam  là DNNVV, đang có chương trình thống kê với 5 triệu hộ gia đình. “Đưa kinh tế số vào như thế nào đây khi quy mô của họ quá nhỏ, kinh doanh nhiều mặt hàng khác nhau… làm phân tán thiếu tính chuyên môn”, bà Lan đặt câu hỏi.
 Tuy vậy Việt Nam cũng nhiều cơ hội lớn như: Đang thay đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất và khoa học công nghệ. Thứ hai là quyết tâm của Chính phủ trong phát triển kinh tế số. Thứ ba là áp lực về hội nhập không có lý do gì Việt Nam không làm  và cơ hội từ  dân số vàng. “Nguồn lực lớn nhất của Việt Nam nằm ở những người trẻ. Tôi tin là trong 5 -10 năm tới, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành tựu trong thương mại số” - bà Lan nhấn mạnh.
 Để phát triển thương mại trên nền tảng số, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam nên có hành động trong 3 lĩnh vực quan trọng để giải quyết những lo ngại liên quan đến thương mại số.
 Theo đó, những hành động chính cần đảm bảo sự rõ ràng liên quan đến loại dữ liệu sẽ được chia sẻ, ranh giới chia sẻ và hình thức chấp thuận của người dùng cần phải có; khuyến khích khả năng tương tác giữa các khung cơ sở kỹ thuật số; giảm bớt những yêu cầu nghiêm ngặt về việc thiết lập ở địa phương; xem xét việc giảm thuế suất tối đa cho mặt hàng công nghệ thông tin; đồng thời, giảm bớt những hạn chế về đầu tư nước ngoài, chính sách cạnh tranh và luồng dữ liệu xuyên biên giới…