Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô 2030 là một bức tranh đẹp với viễn cảnh các đô thị vệ tinh san sẻ áp lực dân số, giải quyết ùn tắc giao thông cho Hà Nội. Tuy nhiên, nguy cơ tính một đằng, kết quả ra một nẻo đang hiện hữu khi nhiều đơn vị dù đã chi hàng ngàn tỷ đồng xây dựng trụ sở mới vẫn một mực “ôm” đất cũ. Thậm chí, một số quỹ đất sau khi di dời lại mọc lên các tòa nhà cao tầng, “hút” hàng vạn dân vào khu vực trung tâm.
Nguy cơ… phá sản?
Để giảm áp lực cho hạ tầng trung tâm, hơn 10 năm nay, Chính phủ và Hà Nội có chủ trương giãn dân cư nội đô. Dù vậy, đến nay, các bộ chưa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp, cơ chế tài chính phục vụ di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở BV, giáo dục ra ngoài khu vực nội thành. Những “nút thắt” về mặt phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan với Hà Nội đang khiến cho việc triển khai di dời đi chệch lộ trình đã đề ra.
Theo Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Thịnh - Viện Nghiên cứu phát triển KT - XH Hà Nội, thực tế đang diễn ra ngược lại khi nhiều bộ, ngành, cơ sở nhà máy được di dời sau đó cao ốc lại mọc lên trên nền đất cũ "hút" hàng vạn cư dân vào sinh sống. Kế hoạch di dời các trường cao đẳng, đại học cũng coi như…“phá sản” khi các trường vẫn đang hoạt động giảng dạy bình thường. Mục tiêu giải phóng không gian để quy hoạch lại Thủ đô, giảm tải sức ép giao thông các quận nội thành dường như vẫn chỉ… trên giấy.
Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị cho thấy, thời gian qua có 9 cơ quan được Hà Nội bố trí gần 100ha đất phục vụ di dời. Tuy nhiên, hầu hết các bộ, ngành sau khi được giới thiệu, thỏa thuận địa điểm mới đều không thực hiện bàn giao quỹ đất cho TP. Bộ Nội vụ đã có trụ sở mới từ năm 2010 tại lô D24 - Khu đô thị mới Cầu Giấy với tổng diện tích 1,63ha đất, quy mô 17 tầng. Cùng nằm trên vị trí lô D24 còn có trụ sở mới của Bộ TN&MT với kinh phí đầu tư 372 tỷ đồng, hoạt động từ năm 2012. Đây là một tòa nhà cao 18 tầng, án ngữ trên khu đất rộng 1,38ha. Dù có “mới” nhưng giống như 7 cơ quan còn lại, Bộ Nội vụ và Bộ TN&MT vẫn “ôm” trụ sở cũ khiến đề xuất phát triển quỹ đất trụ sở cũ thành công trình hạ tầng, kỹ thuật hoặc để xây dựng chỗ để xe và trồng cây xanh…“bất động”. Ngoài ra, Hà Nội cũng yêu cầu 13 cơ sở y tế và 12 cơ sở giáo dục phải di dời, giảm áp lực cho hạ tầng đô thị.
Chủ trương hay là vậy, song việc thực thi của một số BV, trường đại học vẫn giậm chân tại chỗ. Thậm chí, theo tìm hiểu của phóng viên một số BV, trường học còn tiến hành xây dựng thêm hạ tầng mới trên khuôn viên phải di dời. Hai BV dù có cơ sở 2 đi vào hoạt động như BV K cơ sở 3 tại xã Tân Triều, Thanh Trì, BV Nội tiết T.Ư tại xã Tứ Hiệp, Thanh Trì nhưng trụ sở cũ vẫn tiếp tục được sử dụng, thậm chí còn quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép.
Việc di dời các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp cũng "án binh bất động”. Đại diện trường Đại học Xây dựng cho biết, việc di dời các trường là tính đến tương lai phát triển lâu dài cả trăm năm sau nên chủ trương di dời là đúng đắn. Tuy nhiên, giống như bao trường khác, vấn đề nguồn lực đầu tư vẫn là câu hỏi khó. Đây là việc lớn, các trường không thể tự giải quyết manh mún mà cần sự định hướng của Nhà nước.
Trong khi đó, tốc độ di dời một số cơ sở gây ô nhiễm nội đô còn chậm. Theo bà Võ Thị Huệ - Tổ trưởng Tổ dân phố 15A phường Vĩnh Tuy, tình trạng ô nhiễm gây ra bởi Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân - 524 Minh Khai ngày càng nghiêm trọng. Bụi than, bụi bồ hóng, sợi vải, bụi long và khói từ hoạt động sản xuất của nhà máy đã khiến nhiều người dân có dấu hiệu mắc bệnh về xoang, ung thư. Trước những bất an đe dọa môi trường sống, tại nhiều lần họp tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh tới chính quyền sở tại, cơ quan chức năng nhưng hoạt động sản xuất của Nhà máy Dệt kim Đông Xuân vẫn diễn ra bình thường, thậm chí còn mở rộng quy mô. Trước kia nhà máy có 3 ống khói thì nay đã thành 5. Dù nhà máy cam kết sẽ sử dụng công nghệ đốt lò hiện đại của Nhật để giảm ô nhiễm. Tuy nhiên, khi người dân yêu cầu được thị sát thì đơn vị này vẫn đốt lò bằng những chất độc hại có mùi lạ.
Phải xây dựng cơ chế phối hợp
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho biết, việc di dời một số cơ sở công nghiệp, BV, trường đại học, cao đẳng và bộ, ngành ra khỏi nội đô là vấn đề được định hướng từ quy hoạch năm 1998. Đến năm 2015, Thủ tướng Chính phủ quyết định chính thức xác định lộ trình di dời. Những năm qua, ghi nhận Hà Nội đã có chuẩn bị được cơ sở hai cho các bệnh viện, cơ quan bộ, ngành. Trường đại học cũng bố trí 8 khu đại học tập trung ở các đô thị vệ tinh để giãn dân. Đặc biệt, cơ sở công nghiệp đã rà soát kỹ và thực hiện di dời một số trụ sở. Như vậy hiện nay, vấn đề tồn tại là sau khi các đơn vị di dời xong thì trụ sở cũ sử dụng thế nào? Đất cũ trong định hướng quy hoạch là xây dựng các công trình công cộng, không gian xanh và một số công trình nâng cao chất lượng cuộc sống cho dân nhưng cơ chế chính sách bàn giao như thế nào cho Hà Nội thì chưa có? Tinh thần chủ trương là cần thiết nhưng giải pháp xác định nguồn lực chưa có chế tài nhất định.
Giới chuyên môn quy hoạch đô thị phân tích, Hà Nội trước đây đã có Quyết định 94 về chính sách ưu đãi cho di dời các cơ sở công nghiệp. Cụ thể, nếu các đơn vị đồng ý di chuyển ra địa điểm được bố trí sẽ có ưu tiên về giá đất, tạo điều kiện giúp đỡ khi bàn giao. Hà Nội ủng hộ nếu các đơn vị chọn chủ đầu tư có năng lực triển khai xây dựng lại vị trí mới, để những đơn vị này có khoản thu nhất định mà vẫn tuân thủ quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay, cơ chế ưu đãi ra sao lại chưa rõ ràng, thuyết phục. Đây là một quá trình phức tạp, đa ngành, đa lĩnh vực. Do vậy từ chủ trương đến giải pháp đòi hỏi sự tích hợp cao và vai trò của Chính phủ có ý nghĩa quyết định.
Ở góc nhìn khác, KTS Trần Huy Ánh lo ngại chủ trương tốt đẹp có nguy cơ phá sản. Như thực tế, Hiệu trưởng một trường đại học đã đặt câu hỏi, khi trường đại học của chúng tôi đi ra ngoài, thay vào đó là một khu chung cư thì có lẽ, sự tồn tại ở lại của trường đại học có ý nghĩa hơn, là không gian thú vị hơn trong TP. Thực tế, một số quỹ đất sau khi di dời đã trở thành chung cư cao tầng bán để kinh doanh.
“Có lộ trình rồi nhưng xác định nguồn lực và xác định khai thác sử đụng đất lại chưa giao đặc thù cho Hà Nội. Các bộ, ngành cũng chưa gắn với Hà Nội để thực hiện quy hoạch. Bởi trong quy hoạch chung Hà Nội quy định trách nhiệm xây dựng Hà Nội là của cả nước, cả nước vì Hà Nội. Do đó, cần cơ chế phối hợp giữa Nhà nước và Hà Nội, Nhà nước phải can thiệp vào xác định nguồn lực để có chính sách cụ thể. Nếu không xác định được nguồn lực thì khó hiện thực hóa được tinh thần tốt đẹp của chính sách này” - ông Nghiêm nhấn mạnh.
Vấn đề sâu xa cần bàn là khi di dời các cơ sở y tế, BV, trường học và đặc biệt các trụ sở bộ, ngành thì kèm theo việc xây dựng cái gì? Bài học kinh nghiệm của các đô thị trên thế giới thường xây dựng một khu trung tâm hành chính mới, gồm cả nhà ở cho cán bộ viên chức với chế độ ưu tiên nhất định để dân ra ở, nhằm tránh “giao thông con lắc”. Đó là hướng đi có tầm nhìn xa, chiều sâu rộng. KTS Trần Ngọc Hùng Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam |