Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đến lượt thủy sản rớt giá mạnh

Nguyễn Nga - Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với đà rớt giá của các sản phẩm chăn nuôi, thời gian gần đây, thủy sản cũng giảm giá mạnh và tiêu thụ chậm đã gây thiệt hại không nhỏ cho người nông dân.

Rớt giá thảm hại
Đứng thất thần bên ao cá của gia đình, anh Phùng Quang Triệu, thôn Khoái Cầu, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín không giấu nổi buồn bã vì cá rớt giá mạnh. Anh cho biết, gia đình anh vừa thu hoạch diện tích hơn 1ha thả cá đúng vào thời điểm giá thu mua cá thấp. Cụ thể, cá trắm loại trên 2kg chỉ bán được giá 46.000 đồng/kg, cá chép 40.000 đồng/kg, cá trôi 30.000 đồng/kg, cá mè được 12.000 đồng/kg. “So với mọi năm thì giá mỗi loại cá giảm trên dưới 10.000 đồng/kg. Tính ra 6 tháng ròng đổ bao mồ hôi công sức mà tôi không thu được đồng lãi nào” – anh Triệu chia sẻ.
Trong số các loại thủy sản, rớt giá mạnh nhất là cá rô phi đơn tính. Hiện nay giá cá rô phi giảm xuống chỉ còn 15.000 đồng/kg, trong khi có thời điểm loại cá này bán được trên 40.000 đồng/kg. Điều đáng lo ngại, nhiều hộ nuôi cá rô phi không bán được do không có thương lái thu mua. Giải thích về nguyên nhân này, một số tiểu thương ở chợ La Khê (Hà Đông) cho biết, thời gian gần đây cá rô phi bán rất chậm do có thông tin thất thiệt về ăn cá rô phi bị ung thư. Theo tính toán của các hộ nuôi trồng thủy sản, với mức giá như hiện nay, trung bình mỗi hecta nuôi cá rô phi, người nông dân lỗ khoảng 35 triệu đồng.

Cá rô phi tại chợ Dương Nội, quận Hà Đông vẫn bán với giá 38.000 đồng/kg. Ảnh: Nguyễn Nga

Ngoài khó khăn do giá giảm sâu, hiện nay, người nuôi trồng thủy sản còn bị thương lái ép giá khiến cho đầu ra gặp nhiều bế tắc. Chị Nguyễn Thị Dung, hộ nuôi thủy sản ở thôn Văn Trai, xã Văn Phú, huyện Thường Tín cho biết, nếu như mọi năm biểu chuẩn thu hoạch cá trắm chỉ trên 2kg/con nhưng hiện nay các thương lái đề ra tiêu chuẩn để thu mua phải đạt trên 3kg/con. Đối với loại cá dưới 3kg/con sẽ bị ép thu mua với giá bằng với cá giống. Do đó, nếu xuất bán với biểu chuẩn này, mức thua lỗ của người nông dân càng nặng hơn. “Trước mắt, nhà tôi cắt giảm lượng cám công nghiệp, thay vào đó là cho cá ăn các loại rau cỏ và cám gạo để tiết giảm chi phí, nuôi cầm chừng đến khi được giá sẽ xuất bán” – chị Dung cho biết.
Gỡ khó cho nông dân
Một nghịch lý là trong khi giá thu mua cá tại các ao nuôi rất thấp nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua cá ngoài chợ với giá khá cao. Cụ thể, qua khảo sát ở một số chợ dân sinh trong nội thành Hà Nội, giá cá trắm vẫn ở mức trên 60.000 đồng/kg, cá chép 55.000 đồng/kg, cá rô phi 38.000 đồng/kg, cá trôi 45.000 đồng/kg. Giải thích về nghịch lý này, chị Nguyễn Thị Hòa, thương lái bán cá tại chợ Dương Nội (Hà Đông) cho biết, cá được nhập qua 3 – 4 đầu mối trung gian mới đến tay người tiêu dùng nên giá thành sẽ đội lên. Rõ ràng, với thực trạng này, cả người sản xuất và người tiêu dùng đều bị chịu thiệt thòi.
Không riêng gì Hà Nội, tại nhiều địa phương phía Bắc cũng đang xảy ra tình trạng tương tự. Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), báo cáo nhanh của một số tỉnh trọng điểm nuôi cá nước ngọt khu vực phía Bắc cho thấy, hiện nay, tình hình tiêu thụ cá thương phẩm, đặc biệt là cá rô phi và cá điêu hồng đang gặp nhiều khó khăn, giá bán giảm so với năm 2016. Đơn cử, giá cá rô phi xuống thấp so với cùng kỳ năm 2016 từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, sản lượng còn tồn đọng tương đối nhiều. Trước tình hình đó, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh phía Bắc làm việc với DN chế biến, phân phối, các chợ đầu mối rà soát chi phí trong các khâu nhằm tiết giảm các chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ.
Đối với việc tổ chức sản xuất, Tổng cục Thủy sản đề nghị các địa phương xem xét cân đối quy mô sản xuất hàng hóa giữa cá rô phi và các đối tượng cá truyền thống, đảm bảo cân bằng giữa cung và cầu trong nuôi thủy sản nước ngọt. Đồng thời phát triển nuôi các đối tượng cá nước ngọt theo đúng quy hoạch của ngành và địa phương, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cơ sở nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, hướng dẫn người nuôi thực hiện nuôi theo VietGAP và các chứng nhận chất lượng khác, tạo sản phẩm có chất lượng cao, an toàn, được thị trường chấp nhận.
Tổng cục Thủy sản đã đề nghị các địa phương tăng cường tổ chức chương trình kết nối giữa các DN chế biến, các công ty cung cấp suất ăn cho khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể với các vùng sản xuất, tăng cường thu mua chế biến, cấp đông nhằm hỗ trợ tiêu thụ cá thương phẩm cho thị trường.