Trên đây là một trong những nội dung Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt .
Theo quy hoạch, giai đoạn đến năm 2030: 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đạt QCVN 02:2009 của Bộ Y tế.
Về vệ sinh môi trường, giai đoạn đến năm 2020: 100% số hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100 số chuồng trại chăn nuôi được xử lý chất thải; 50% số làng nghề bị ô nhiễm nặng được xử lý chất thải; 100% số chợ nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Ảnh minh họa.
Giai đoạn đến năm 2030: 100% cơ sở công cộng có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm bị ô nhiễm được xử lý chất thải.
Để đạt được mục tiêu trên, giai đoạn đến năm 2020, phải nâng cấp, cải tạo 10 công trình cấp nước tập trung kém hiệu quả hoặc chưa hoạt động, cấp nước phục vụ cho 84.150 người dân; xây dựng 60 công trình cấp nước sạch tập trung quy mô xã, liên xã cấp nước cho 920.620 người dân; nối mạng, mở rộng mạng từ nguồn nước đô thị và từ công trình cấp nước tập trung nông thôn với 49 công trình, cấp nước cho 990.590 người dân; hỗ trợ 40.000 thiết bị xử lý nước nhỏ lẻ hộ gia đình, cấp nước cho 180.000 người dân.
Giai đoạn đến năm 2030, xây dựng 40 công trình nâng cấp, mở rộng mạng, đấu nối sử dụng các công trình được xây dựng từ giai đoạn trước, cấp nước cho 708.420 người dân; xây dựng 8 công trình cấp nước tập trung quy mô liên xã và liên khu vực, cấp nước cho 212.200 người.
Với công trình vệ sinh hộ gia đình, tuyên truyền, khuyến khích nhân dân xây dựng các công trình nhà tiêu hợp vệ sinh với các hình thức như: Nhà tiêu tự hoại, nhà tiêu thấm dội, nhà tiêu hai ngăn sinh thái, theo mục tiêu đến năm 2020 có 100 số hộ nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, tránh gây ô nhiễm môi trường. Đối với hộ gia đình cần kết hợp xây dựng chuồng trại chăn nuôi với nhà tiêu và hầm khí Biogas.
Về lĩnh vực thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn được phân vùng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt. Cụ thể, vùng I (khu vực phía Bắc) gồm các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm; vùng II (khu vực phía Nam) các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hoà, Mỹ Đức, Phú Xuyên; vùng III (khu vực phía Tây), các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ và ngoại thị thị xã Sơn Tây.
Quy hoạch nêu rõ, đối với hộ gia đình: Tự thu gom, phân loại, xử lý tại chỗ; chất thải hữu cơ ủ làm phân bón; chất thải rắn tự thu gom đổ ra bãi tập trung của địa phương để vận chuyển đi xử lý tại khu xử lý rác tập trung.
Với đơn vị hành chính tập trung thì áp dụng phương pháp thu gom, vận chuyển và công nghệ xử lý chất thải rắn với quy mô phù hợp.
Về xử lý ô nhiễm làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, đến năm 2020 có 39 làng nghề được xử lý và đến năm 2030 có thêm 5 làng nghề được xử lý ô nhiễm.
Kinh phí thực hiện quy hoạch này dự kiến 13.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn đến năm 2020 khoảng 8.400 tỷ đồng, giai đoạn từ năm 2020-2030 khoảng 4.600 tỷ đồng.
Nguồn vốn được huy động từ nguồn ngân sách, doanh nghiệp, nhân dân và nguồn vốn nước ngoài, trong đó nguồn vốn ngân sách là chủ yếu, tập trung đầu tư cho xây dựng các công trình cấp nước sạch, công trình công cộng.