Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đến năm 2030, huyện Đan Phượng có hơn 2.100ha đất ở đô thị

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo phương án quy hoạch đến năm 2025, huyện Đan Phượng sẽ phát triển thành quận. Diện tích đất ở đô thị đến năm 2030 trên địa bàn huyện là 2.169,50ha, tăng 2.123,58ha so với năm 2020.

UBND huyện Đan Phượng vừa công bố công khai Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Đan Phượng để người dân được biết. Theo đó, quan điểm sử dụng đất là phải tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền xét duyệt, đảm bảo tính thống nhất giữa các địa phương trong TP.

Đồng thời, bố trí sử dụng đất trên cơ sở cân đối nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đáp ứng mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh nhằm sử dụng hợp lý, tiết kiệm có hiệu quả nguồn tài nguyên đất, khai thác triệt để quỹ đất.

Bản đồ Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 huyện Đan Phượng.
Bản đồ Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 huyện Đan Phượng.

Theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Đan Phượng, đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp của đất đô thị trên địa bàn huyện là  1.214,21ha, chiếm  15,60%. Diện tích đất phi nông nghiệp là 6.069,78ha, chiếm 78,34%.

Trong đó, về đất ở đô thị, theo phương án quy hoạch đến năm 2025, huyện Đan Phượng sẽ phát triển thành quận, chính vì vậy, toàn bộ diện tích đất ở nông thôn sẽ thống kê sang đất ở đô thị với tổng diện tích là 1.111,25ha. Diện tích đất ở đô thị đến năm 2030  là  2.169,50ha, tăng 2.123,58ha so với năm 2020.

Về phát triển không gian đô thị, phải tiến hành đồng bộ cả phát triển kiến trúc và các cơ sở kỹ thuận hạ tầng đi theo. 

Dự kiến, phát triển thị trấn Phùng là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hoá, xã hội và khoa học công nghệ toàn huyện. Các khu đô thị chính là nơi có điều kiện phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ. 

Về phát triển không gian khu dân cư, khu vực nông thôn có sự tác động của đô thị hoá sẽ có sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh các ngành phi nông nghiệp, tạo điều kiện nâng cao thu nhập và mức sống dân cư nông thôn.

Khu dân cư nông thôn sẽ có các trung tâm thị tứ, các điểm dân cư được bố trí hợp lý trên cơ sở kết hợp giữa sản xuất và an ninh quốc phòng, dựa trên các điều kiện về giao thông, địa bàn sản xuất và nguồn nước.

Diện mạo nông thôn khang trang tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Ảnh: Nguyễn Bền
Diện mạo nông thôn khang trang tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Ảnh: Nguyễn Bền

Về cơ bản trong kỳ quy hoạch, không gian nông thôn ít thay đổi nhưng diện mạo nông thôn sẽ thay đổi mạnh mẽ theo hướng gắn với xây dựng và phát triển nông thôn mới của Thủ đô.

Với định hướng phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn huyện Đan Phượng như trên, cùng với hiện trạng có 46,93% đất nông nghiệp, 9,07% đất chưa sử dụng cho thấy tiềm năng đất đai cho sự phát triển đô thị và khu dân cư của huyện Đan Phượng vẫn rất lớn, đủ quỹ đất đáp ứng cho nhu cầu phát triển.

Định hướng quy hoạch đất cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Đan Phượng thời kỳ 2021 – 2030 sẽ bố trí 5 vị trí, với tổng diện tích là 143,60ha. Trong đó, quy hoạch Cụm công nghiệp Đan Phượng giai đoạn 2 là 6,8ha; quy hoạch Cụm công nghiệp Hồng Hà (khu Đồng Bồng, Râm) 6ha; quy hoạch Cụm công nghiệp Song Phượng 6,8ha; quy hoạch Cụm công nghiệp Phương Đình 50ha; quy hoạch Cụm công nghiệp Hồng Hà (khu Trại Phá, Tay Áo, Râm, Cấn…) 74ha.

Định hướng quy hoạch đất giao thông trên địa bàn huyện Đan Phượng thời kỳ 2021 - 2030 sẽ bố trí 74  vị trí, với tổng diện tích là 522,54ha. Trong đó, đường Vành đai 4 (qua các xã Tân Hội, Hạ Mỗ, Hồng Hà, Liên Hồng) diện tích quy hoạch 51,74ha; đường trục Tây Thăng Long (Đồng Tháp, Phùng, Đan Phượng, Tân Hội, Tân Lập) diện tích quy hoạch 51ha. Ngoài ra, còn quy hoạch các bãi đỗ xe tĩnh, mở rộng đường giao thông…

Huyện Đan Phượng cũng quy hoạch đất khu vui chơi giải trí công cộng trên địa bàn thời kỳ 2021 - 2030 với 129 vị trí, tổng diện tích là 412,57ha. Diện tích đất nông nghiệp theo phương án quy hoạch đến năm 2030 là 1.214,21ha, chiếm 15,60% diện tích tự nhiên của huyện, giảm 2.438,46ha so với năm 2020. Phấn đấu đến năm 2030 trở thành huyện có kinh tế và lao động công nghiệp, dịch vụ là chủ yếu.

Theo nhận định của huyện Đan Phượng, với sự phát triển nhanh của nền kinh tế, quá trình đô thị hoá nhanh, nhu cầu đất đai cho phát triển công nghiệp, dịch vụ và xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng tăng làm cho quỹ đất nông nghiệp của huyện giảm nhanh.

Để phát triển nông nghiệp, hướng đi của huyện là chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bố trí các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá lớn, với sản phẩm rau hoa quả, con vật nuôi đặc sản. Khuyến khích dồn điền đổi thửa và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo dự án, nhằm tạo ra những sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh trên thị trường.