Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đến năm 2040 Phú Quốc sẽ đón khoảng 14,6 triệu lượt khách du lịch

Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Phát triển TP Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo đặc sắc; một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và dịch vụ có bản sắc, chất lượng cao, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Đến năm 2040, Phú Quốc sẽ đón khoảng 14,6 triệu lượt khách du lịch.

Phát triển TP Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo đặc sắc
Phát triển TP Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo đặc sắc

Sáng 10/8, tại Phú Quốc, Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang phối hợp với UBND TP Phú Quốc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đồ án quy hoạch chung TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Gang đến năm 2040. Dự kiến đến năm 2040, Phú Quốc đón khoảng 14,6 triệu lượt khách du lịch.

Theo đó, phạm vi quy hoạch chung TP Phú Quốc đến năm 2040 bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên 589,27 km2 gồm có: 2 phường Dương Đông, An Thới và 7 xã: Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm, Hàm Ninh, Cửa Dương, Dương Tơ và Thổ Châu.

Riêng diện tích mặt biển sẽ được xác định trong quá trình lập đồ án, phù hợp và thống nhất với ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển của khu vực lập quy hoạch theo quy định pháp luật. Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2040.

Định hướng trở thành đô thị loại 1

Định hướng phát triển TP Phú Quốc với tầm nhìn dài hạn và đáp ứng yêu cầu phát triển theo các giai đoạn quy hoạch thông qua chiến lược phát triển toàn diện, cân bằng và bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo đảm an ninh, quốc phòng; đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển trong trường hợp hình thành Khu hành chính - kinh tế đặc biệt và tách xã đảo Thổ Châu (Thổ Chu) thành huyện đảo riêng.

Đồng thời, Phát triển TP Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo đặc sắc; một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và dịch vụ có bản sắc, chất lượng cao, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; trung tâm thương mại, dịch vụ và trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao ở tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chính trị - văn hóa; một không gian sống có chất lượng và gắn bó của người dân trên đảo; quản lý phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Trong đó, chú ý phân tích đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng phát triển như: Phân tích vị trí và mối quan hệ liên vùng; đánh giá các điều kiện tự nhiên; phân tích, đánh giá hiện trạng kinh tế - xã hội; đánh giá hiện trạng sử dụng đất và hiện trạng xây dựng; phân tích đánh giá về hiện trạng phát triển du lịch; hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường; đánh giá công tác quản lý, thực hiện theo quy hoạch chung đã được phê duyệt; đánh giá tổng hợp hiện trạng; bản đồ nền địa hình, nguồn tài liệu, số liệu, thông tin về hiện trạng phải bảo đảm chất lượng, độ tin cậy, có nguồn rõ ràng; đảm bảo tính khoa học, đủ số lượng, đủ độ dài chuỗi dữ liệu theo thời gian để phục vụ công tác phân tích, đánh giá, dự báo trong quá trình lập quy hoạch.

Với định hướng, xây dựng tầm nhìn, tính chất, chiến lược, mục tiêu phát triển đô thị; các yêu cầu về dự báo dân số, lao động, quy mô đất xây dựng, các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo từng giai đoạn; các yêu cầu về định hướng phát triển không gian, quy hoạch sử dụng đất và thiết kế đô thị; yêu cầu về định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật; đánh giá môi trường chiến lược; yêu cầu đối với đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện; dự thảo quy định quản lý phát triển đô thị theo đồ án quy hoạch chung.

Xây dựng đô thị du lịch

Ưu tiên cho mục tiêu phát triển du lịch, dịch vụ, đồng thời, duy trì và gắn các ngành kinh tế truyền thống với hoạt động du lịch, như: nông – lâm - ngư nghiệp, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến gắn với nguyên liệu tại chỗ...

Quy hoạch đa dạng các không gian phát triển du lịch, dịch vụ, cũng như các sản phẩm du lịch. Trong đó, cần đánh giá đúng giá trị của các đô thị du lịch với sự đan xen, pha trộn hợp lý chức năng đô thị và du lịch cũng như các chức năng kinh tế khác, hạn chế quy mô các khu dịch vụ du lịch tập trung ở mức độ và tỷ lệ phù hợp, để đảm bảo sự phát triển cân bằng, hiệu quả, sinh động và hấp dẫn trong toàn đô thị. Dự kiến, đến năm 2040, Phú Quốc sẽ đón khoảng 14,6 triệu lượt khách du lịch.

Đến 2040, Phú Quốc có thể có khoảng 120.000 buồng phòng lưu trú (trong đó, khoảng 30% số buồng phòng nằm đan xen trong các khu đô thị), nhưng con số này còn có thể cao hơn do có rất nhiều dự án trên địa bàn Phú Quốc đã được phê duyệt trong thời gian gần đây. Với tình trạng cung lớn hơn cầu hiện tại của số buồng phòng (chiếm 55% thị trường), việc lập kế hoạch và thực hiện xây dựng thêm cơ sở lưu trú cần được kiểm soát chặt chẽ, cần chuyển đổi bớt diện tích đất dịch vụ du lịch sang đô thị đa chức năng và các loại hình kinh tế, dịch vụ đa dạng hơn. Cần đề xuất các giải pháp thu hút khách du lịch, nâng cao trải nghiệm của khách và tăng thời gian lưu trú trung bình.

Xây dựng thương hiệu du lịch Phú Quốc có đặc trưng riêng, có sức hút mạnh mẽ với các hoạt động du lịch cũng như các điểm tham quan đa dạng, các nguồn cung cơ cơ lưu trú phong phú, và dễ dàng tiếp cận.

Nhiều ý kiến cơ bản đồng ý quyết định quy hoạch và cho rằng quy hoạch nên nhắm đến quyền lợi của người dân sinh sống lâu đời và phù hợp với thực tế tại Phú Quốc hơn.