Và một xã hội đương đại thu nhỏ vẫn được tái hiện nhịp nhàng trên sàn gỗ ấy, trong đó có cả hình ảnh của phóng viên thời đại này qua một căn bệnh xã hội hết sức trầm trọng: Háo danh.
Đúng như Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Thế Vinh kỳ vọng khi "Bệnh sĩ" ra mắt: "Chúng tôi muốn xây dựng địa chỉ số 1 Tràng Tiền thành một điểm đến quen thuộc của khán giả Hà Nội. Và “Bệnh sĩ” sẽ là một trong những vở kịch được biểu diễn thường xuyên tại đây". Hơn 2 tháng thử nghiệm diễn kịch bán vé, người làm kịch không giấu được sự khấp khởi khi 200 ghế buổi nào cũng kín chỗ. Tiếng cười rộ lên từ khi vở diễn bắt đầu với cảnh nhốn nháo khai trương tên mới ở xã Cà Hạ, cho đến khi vở diễn kết thúc với cảnh ông Chủ tịch xã thương tích đầy mình vì thuốc pháo mà miệng vẫn không ngớt "Chúng ta đã thành công". Đạo diễn Tuấn Hải mừng ra mặt: "Từ khi "Bệnh sĩ" ra mắt tới giờ, tuần 2 buổi diễn, buổi nào cũng bán hết 200 vé. Có người đến tận Nhà hát mua 4 - 5 cặp cho cả nhà đi xem. Nhà hát mừng, đạo diễn mừng, diễn viên cũng mừng, bởi đã lâu rồi kịch mới được khán giả hưởng ứng như thế này".
Một cảnh trong vở “Bệnh sĩ”. (Ảnh do Nhà hát Kịch Việt Nam cung cấp).
|
Công bằng mà nói, "Bệnh sĩ" bán được vé vì sân khấu ấy đã hội tụ được nhiều yếu tố "hút" khán giả. Đầu tiên phải kể đến kịch bản mà Lưu Quang Vũ chắp bút đã rất "sắc" và rất "gần" với công chúng. Kịch bản ấy ngập tràn tiếng cười - điều mà khán giả cần giữa guồng quay cuộc sống hối hả hiện tại. Điều đáng nói là chất hài của "Bệnh sĩ" không tục tĩu, không "cù" khán giả bằng những kiểu pha tiếng hay "nói bậy" rẻ tiền, khiến khán giả xem rồi quên luôn vì nhạt nhẽo, thiếu chiều sâu. Kịch bản ấy dù đầy tính giải trí, nhưng những câu thoại đã phơi bày rất rõ căn bệnh "thâm căn cố đế" chưa có thuốc chữa của toàn xã hội: "Sắm cho mình cái kính để người ta nhìn vào thấy mình là người có chữ"; "Trên có chủ trương, ta cứ bung ra. Càng nghèo, càng cần tiếng nổ cho nó to"; "Ô hay, có phải mình mày nói dối đâu, cả xã nói dối, cả huyện nói dối, cả nước đang nói dối. Cho nên mày hãy dối một lần cho tao nhờ"…
Các diễn viên đã mang kịch bản ấy ra trước công chúng một cách tự nhiên và khá đạt. Ngồi ở hàng ghế khán giả, người ta không có cảm giác mình đang xem diễn viên diễn kịch, mà như đang chứng kiến một câu chuyện rất đời thường. Cái thú vị của sàn gỗ này là nhờ đạo diễn Tuấn Hải trong tình huống nước rút đã làm "castcadeur" cho vai diễn chính - Chủ tịch xã Toàn Nha. Anh và Xuân Bắc (trong vai trợ lý Văn Sửu) đã tung hứng ăn ý từ đầu đến cuối vở diễn với dáng vẻ của những cán bộ xã ít chữ nhưng "sính" oai và danh. Lợi thế của người đạo diễn trưởng thành từ diễn viên được nhìn thấy rõ nét ở đây, góp phần tạo nên độ "thật" của diễn xuất và độ thành công của tác phẩm kịch. Và một yếu tố góp sức trong việc bán được vé của "Bệnh sĩ" không thể không nhắc đến là việc nắm bắt thị hiếu để chọn được kịch bản đúng với ý đồ "đỏ đèn liên tục" mà người làm kịch đặt ra.
Tất nhiên, sân khấu ấy vẫn có những hạt sạn nho nhỏ, vẫn có những lời khen chê khác nhau, song đó là một thành công trong nỗ lực tạo thói quen mua vé xem kịch cho công chúng. Đầy hồ hởi, đạo diễn Tuấn Hải khoe: "Đoàn vừa đi diễn ở Bắc Giang về, tuần tới sẽ có buổi diễn ở Nhà hát Lớn, rồi lại quay về diễn tại rạp số 1 Tràng Tiền liên tục tuần 2 buổi". Với vở "Bệnh sĩ" và vở "Lâu đài cát" vừa ra mắt, Nhà hát Kịch đang hết sức hết lòng để sân khấu 200 chỗ ngồi "đỏ đèn" liên tục, để nghệ sĩ sống được với nghề. Bước đầu, những nỗ lực của họ đã nhận được sự đền đáp xứng đáng khi ánh đèn sân khấu không còn leo lét.