Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ĐH Bách khoa TPHCM ra mắt 2 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hai phòng thí nghiệm này được xây dựng với tổng kinh phí đầu tư 135 tỷ đồng, trích từ nguồn ngân sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

KTĐT - Hai phòng thí nghiệm này được xây dựng với tổng kinh phí đầu tư 135 tỷ đồng, trích từ nguồn ngân sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngày 19/1, trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh đã ra mắt hai phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về điều khiển số-kỹ thuật hệ thống và nghiên cứu vật liệu Polymer-Composite.

Phó giáo sư-tiến sĩ Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Việc hoàn thiện và cho ra mắt 2 phòng thí nghiệm trọng điểm trên đã góp phần nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học của sinh viên, giảng viên và các nhà khoa học, nhằm tạo ra nhiều công trình nghiên cứu hiệu quả mang tầm ảnh hưởng quốc gia và toàn cầu".

Hai phòng thí nghiệm này được xây dựng với tổng kinh phí đầu tư 135 tỷ đồng, trích từ nguồn ngân sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Số tiền trên phục vụ công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng và các trang thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ...

Trong số đó, 65 tỷ đồng đầu tư cho phòng thí nghiệm nghiên cứu vật liệu Polymer-Composite dùng để trang bị các thiết bị hiện đại như máy TEM (hệ thống kính hiển vi điện tử truyền qua), máy XRD, máy IR, máy trộn nano hai trục vít…

Phòng thí nghiệm điều khiển số và kỹ thuật hệ thống có 7 phòng chuyên môn, gồm: Phòng tạo mẫu nhanh, phòng robot, phòng điều khiển tự động, phòng CAD/CAM/CNC...

Các phòng trên có nhiệm vụ tổ chức triển khai các nghiên cứu khoa học và công nghệ có tính nền tảng, chiến lược, bám sát mục tiêu tiến bộ của khoa học công nghệ hiện đại trên thế giới.

Nhân dịp này, trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cũng giới thiệu một số sản phẩm đã được nghiên cứu và chế tạo tại đây.

Đó là Hệ thống kho hàng tự động, hệ thống điểu khiển nhà thông minh, cảm biến IMU, robot di chuyển đa hướng, phần mềm E-learning phục vụ cho công tác đào tạo và hoạt động sản xuất công nghiệp...

Ngoài ra, nhiều đề tài khác như là thiết kế và chế tạo robot mô phỏng người, thiết kế robot bay, robot đá banh... hiện đang tiến hành nghiên cứu tại đây./.