Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghệ An:

Di tích lịch sử bị xâm phạm, cần thêm các chế tài xử lý vi phạm

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua tại tỉnh Nghệ An liên tục xảy ra những sự việc liên quan tới các hoạt động quản lý di tích, di sản khiến dư luận hết sức quan tâm. Sở Văn hóa Nghệ An cho rằng, cần phải tăng cường và nâng cao hơn nữa trách nhiệm địa phương, các Ban quản lý.

Tại Nghệ An từ đầu năm tới nay xảy ra hai vụ việc liên quan tới hoạt động quản lý di tích khiến dư luận hết sức quan tâm. Khi câu chuyện “biển thủ” tiền công đức xảy ra vào cuối tháng 2/2024 vừa qua tại đền ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên) chưa hết “dậy sóng” thì đầu tháng 3/2024 lại tiếp diễn chuyện Di tích lịch sử - danh thắng cấp Quốc gia Lèn Hai Vai tại xã Minh Châu (huyện Diễn Châu) bị doanh nghiệp làm dự án 500KV đào xới, hủy hoại phần chân Lèn gây ảnh hưởng tới quy hoạch tổng thể của di tích. Cả hai vụ việc này hiện đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý, chưa có kết luận cuối cùng các sai phạm cũng như các chế tài xử lý trách nhiệm đối với Ban quản lý, địa phương quản lý di tích.

Di tích Quốc gia Lèn Hai Vai bị doanh nghiệp đào xới nham nhở phần chân Lèn, lấy đất. 
Di tích Quốc gia Lèn Hai Vai bị doanh nghiệp đào xới nham nhở phần chân Lèn, lấy đất. 

Theo Trưởng phòng Quản lý Di sản Sở Văn hóa Nghệ An Phan Thị Anh, để xảy ra những sự việc đáng tiếc như vậy đơn vị quản lý cấp tỉnh cũng nhận một phần trách nhiệm, nhưng trách nhiệm chính vẫn là Ban quản lý các di tích tại địa phương đã được giao quản lý bao gồm cấp xã, cấp huyện. Trước những sự việc nói trên, Phòng quản lý Di sản cũng đã vào cuộc quyết liệt, xem xét sự việc để tham mưu cho UBND tỉnh về công tác quản lý, xử lý vi phạm, xem xét trách nhiệm để xảy ra vi phạm...

“Để tránh tái diễn, tôi cho rằng địa phương, Ban quản lý di tích cần nêu cao trách nhiệm, tinh thần, nhiệm vụ công tác. Theo dõi, giám sát chặt chẽ để kịp thời xử lý các vấn đề vi phạm các quy định, năm bắt chặt chẽ Luật Di sản cũng như các quy định khác để thực hiện tốt việc bảo vệ, phát huy các di sản thuộc sự quản lý của mình. Hàng năm Sở cũng thường xuyên có những văn bản than mưu cho tỉnh tăng cường công tác quản lý, gắn trách nhiệm Ban quản lý, địa phương đối với các hoạt động tại các di tích...đồng thời cũng tập huấn cho cán bộ quản lý...”, bà Phan Thị Anh nhấn mạnh.

Còn Thanh tra Sở Văn hóa Nghệ An Lê Khắc Hoàng cho rằng, cần có giải pháp quản lý tốt các nguồn thu, chi tại di tích ( thu công đức, dịch vụ, thu khác....), đặn biệt là đội ngũ thầy cúng, cần sàng lọc, tuyển chọn và ký hợp đồng thời vụ, quản lý, giám sát chặt chẽ về đội ngũ này, không để đội ngũ này trực tiếp lấy tiền của dân, du khách...Cần tăng cường, xử phạt mạnh tay theo đúng chế tài quy định khi đơn vị, tổ chức để xảy ra các sai phạm, vi phạm như vậy mới có sức răn đe, tránh được việc thiếu trách nhiệm, thiếu quan tâm, giám sát, quản lý...

Trao đổi với phóng viên liên quan việc di tích Quốc gia Lèn Hai Vai tại xã Minh Châu thuộc sự quản lý của cấp huyện bị xâm phạm, đào xới gây ảnh hưởng đến khuôn viên di tích, ô nhiễm môi trường cảnh quan di tích, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu Phạm Xuân Sánh cho rằng, sau khi để xảy ra vụ việc, lãnh đạo UBND huyện cũng đã làm việc, báo cáo với các cơ quan thẩm quyền và UBND tỉnh với đề xuất kiến nghị xử phạt Công ty TNHH Trung Việt Hưng số tiền 180 triệu đồng với hai hành vi vi phạm Luật Di sản và Luật khoáng sản. Đồng thời, huyện cũng yêu cầu xã Minh Châu thực hiện việc kiểm điểm, sau khi có kết quả cuối cùng sẽ có biện pháp xử lý đối với từng cá nhân, tập thể để xảy ra việc hủy hoại di tích.

 

Nghệ An hiện có 2.602 di tích đã được kiểm kê, trong đó bao gồm cả những phế tích, có 485 di tích được xếp hạng, 6 di tích Quốc gia đặc biệt, 145 di tích cấp Quốc gia, hơn 300 di tích cấp tỉnh.