Tại hội thảo, các chuyên gia bảo tồn di sản, những nhà khảo cổ học và cơ quan quản lý di sản tại Bắc Ninh đã chỉ ra những ưu điểm, hạn chế trong việc trùng tu, bảo tồn di tích tại Bắc Ninh, trong đó có công tác xã hội hóa bảo tồn.
Lợi ích từ nguồn vốn xã hội hóa
Bắc Ninh có 1.588 di tích thuộc nhiều thể loại như: Đền, đình, chùa, thành cổ, văn miếu, lăng tẩm… Đến nay, Bắc Ninh đã có 581 di tích được Nhà nước xếp hạng các cấp (4 di tích quốc gia Đặc biệt, 194 di tích cấp quốc gia, 383 di tích cấp tỉnh và 8 nhóm bảo vật quốc gia). Hiện nay, hầu hết các di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đều được khởi dựng từ lâu đời, do thiên tai và chiến tranh, phần lớn các di tích bị tàn phá nặng nề.
Trước thực trạng trên, từ năm 2011 - 2018, Nhà nước đã quan tâm và đầu tư trùng tu, tu bổ 214 di tích với tổng kinh phi là 70,8 tỷ đồng. Từ năm 2011 - 2017, tỉnh Bắc Ninh đã cân đối ngân sách, đầu tư cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích 210 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Phương Bắc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh Bắc Ninh: “Ngoài các dự án được đầu tư kinh phí trùng tu tôn tạo được UBND tỉnh cho phép lập dự án đầu tư, các nguồn vốn hỗ trợ chống xuống cấp kinh phí cấp còn ít, chỉ từ 200 triệu - 300 triệu đồng, vì vậy chưa giải quyết được triệt để tình trạng xuống cấp di tích”.
Trong điều kiện nguồn lực Nhà nước có hạn, những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã quan tâm đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực Nhân dân. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số thành công nhất định. Theo đó, một số công trình đã được đầu tư lớn bằng nguồn vốn xã hội hóa như: Chùa Dạm đầu tư xây dựng khoảng 110 tỷ đồng; Đền, Đình, chùa Tướng Quốc, xã Văn Môn, huyện Yên Phong 200 tỷ đồng.
“Việc xã hội hóa tôn tạo, tu bổ di tích lịch sử đã giúp tạo được nguồn kinh phí lớn để tôn tạo, phục dựng, bảo tồn các di tích xuống cấp, nâng số lượng di tích được tôn tạo nhiều hơn. Trên thực tế, công trình tu bổ từ nguồn kinh phí này cơ bản đảm bảo chất lượng, vì nguồn vốn lớn nên sửa chữa được nhiều hạn mục và có sự giám sát chặt chẽ của người dân” - TS. Nguyễn Phương Bắc cho biết.
Con dao 2 lưỡi
Tại Hội thảo, bên cạnh việc đánh giá cao những thành tựu tỉnh Bắc Ninh đạt được trong công tác trùng tu, bảo tồn di tích thông nguồn vốn xã hội hóa, PGS. TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam chỉ ra một số hạn chế. Đơn cử ở Đền Lý Bát Đế (đền Đô - Cổ Pháp diện) do vận dụng chủ trương xã hội hóa nhằm thu hút nguồn lực xã hội cho việc xây dựng lại các hạng mục di tích mà thiếu bản quy hoạch tổng thể làm cơ sở pháp lý và khoa học cho các hoạt động tiếp theo. Đó là lý do dẫn tới tình trạng tự phát và chắp vá không đồng bộ trong tổng thể di tích. Đặc biệt khu lăng mộ vốn được nổi danh với khu rừng Báng xưa thì nay đã bị thu hẹp và biến đổi căn bản về cảnh quan sinh thái.
Bên cạnh đó, dự án tôn tạo di tích chùa Phật Tích vì không có quy hoạch tổng thể ngay từ đầu nên các hạng mục kiến trúc chưa tạo được một hợp thể kiến trúc đồng bộ và hoàn chỉnh. “Các ngôi tháp đều có ý nghĩa ở nhiều mặt: Lịch sử, nghệ thuật và chất lưu niệm như một hợp phần của di tích. Tuy nhiên, người ta chỉ tập trung cho việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các hạng mục kiến trúc chính của ngôi Chùa mà lãng quên hệ thống tháp sư tổ (thậm chí có nơi còn lưu giữ hàng mấy chục ngôi tháp như “rừng tháp ở chùa Bồ Đề - Bắc Giang) - đây là khuyết điểm cần được khắc phục kịp thời” - PGS Đặng Văn Bài chia sẻ.
Mặt khác, theo GS.TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng di sản Quốc Gia: “Huy động nguồn vốn xã hội hóa trong trung tu, bảo tồn di tích là chủ trương đúng đắn. Tại Bắc Ninh, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ở bên trong các công trình mới được xây dựng tại Bắc Ninh có khá nhiều bất cập. Cụ thể tại chùa Dạm, các đồ thờ tự gồm hệ thống tượng, các bức đại tự, đèn thờ… được nhiều người công đức không hề phù hợp, ăn nhập với nhau đang khiến cho việc bài trí nột thất tại khu chùa mới này là hết sức bất cập. Tại một số nơi, các hoạt đồng bảo tồn di tích chỉ được làm theo sở thích của của sư trụ trì, vai trò quản lý của cơ quan nhà nước bị lu mờ, ít được tôn trọng”.
Do đó, GS Trương Quốc Bình cho rằng tỉnh Bắc Ninh cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn việc chấp hành quy định pháp luật về di sản văn hóa trong các cấp, các ngành và Giáo hội Phật Giáo Việt Nam; hướng dẫn thực hiện công tác trùng tu tôn tạo lại di tích theo quy định; tiếp tục đẩy mạnh công tác thống kê, kiểm kê di tích trên địa bàn, lập hồ sơ xếp hạng cho các di tích đủ điều kiện. Đặc biệt, khẩn trương hoàn tất việc xây dựng và thực hiện đề án “Tổ chức, quản lý, sử dụng biên chế tại các di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử cách mạng và di tích quốc gia tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”.