Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đi trước đón đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong mục tiêu phát triển, Hà Nội quan tâm không ít tới việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bằng chứng là ngoài Trường Cao đẳng (CĐ) nghề Công nghệ cao Hà Nội, TP lại cho ra đời trường Đại học (ĐH) Thủ đô mang “sứ mệnh” lớn nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hà Nội.

Ngành nghề theo xu hướng phát triển

Chia sẻ về hoạt động đào tạo của trường ĐH mang tên Thủ đô – cơ sở đào tạo được thành lập trên cơ sở trường CĐ Sư phạm Hà Nội, TS Bùi Hồng Cường - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Trường đang triển khai xây dựng và đặt vai trò cánh tay phải chính là các ngành sư phạm (SP), rồi triển khai các bước tiếp theo là trọng tâm vào những ngành Hà Nội đang cần. Vừa rồi, nhà trường thực hiện rà soát các chương trình CĐ và xây dựng chương trình ĐH. “Chúng tôi đặt ra mục tiêu bám sát sự chuyển động của giáo dục Thủ đô. Tiếp đến là đón đầu sự thay đổi chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015. Thứ nữa, chương trình phải đáp ứng một số chuẩn về ngoại ngữ và tin học. Nói rộng ra, chương trình vẫn đào tạo sinh viên (SV) ngành SP Vật lý, SP Hóa học, SP Sinh học, nhưng bố trí một số nội dung để sau này giáo sinh tốt nghiệp dạy được khoa học tự nhiên (KHTN). Hay trong chương trình thiết kế môn Hà Nội học có tích hợp nội dung giảng dạy về thanh lịch người Hà Nội”.

Đặc biệt, khi Hà Nội đang chú trọng mô hình trường chất lượng cao, nhà trường cũng hướng theo những nội dung này để SV ra trường có thể giảng dạy tiếng Anh các môn KHTN ở khối tiểu học.  

“Chất lượng cao là SV ra trường được DN thừa nhận, tuyển dụng, trả lương cao, SV tốt nghiệp ra trường bao nhiêu có việc làm bấy nhiêu” – chính từ quan điểm này, Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội đã đề ra chiến lược hoạt động riêng.

TS Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc mở các ngành nghề căn cứ vào nhu cầu sử dụng lao động rất cao trên địa bàn TP. Các ngành nghề như Gia công kim loại, Gia công cơ khí, Chế tạo khuôn mẫu, Bảo trì máy CNC, Vẽ thiết kế trên máy tính, Điện tử công nghiệp, Hàn công nghệ cao, Công nghệ thông tin. Bên cạnh các ngành nghề thuộc lĩnh vực sản xuất là mảng dịch vụ có nghề Chăm sóc sắc đẹp, Thiết kế các kiểu tóc. Tất nhiên, nội dung các chương trình được xây dựng dựa trên khung của Bộ LĐTB&XH và nhà trường mời các DN tham gia biên soạn, điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu sử dụng nhân lực. Trong quá trình đào tạo, DN cũng tham gia bồi dưỡng cán bộ và giáo viên, tiếp nhận SV đến học tập và thực tập.
Buổi thực tập của sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.  Ảnh:  Quỳnh Anh
Buổi thực tập của sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Anh
Con người - nhân tố quan trọng nhất

Biết rằng, để đi theo hướng mô hình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mang đến thành công, có sự đóng góp của nhiều yếu tố như con người, cơ sở vật chất, chương trình và giáo trình. Thế nhưng, con người là nhân tố quan trọng nhất, đồng nghĩa tuyển chọn được những SV có chất lượng. Kỳ thi THPT quốc gia 2015, ĐH Thủ đô Hà Nội tuyển sinh được nhiều SV có điểm rất cao, cụ thể ngành SP Ngữ văn có điểm trúng tuyển lên tới trên 22, các ngành SP khác có điểm chuẩn đều không dưới 18. “Nhà trường yên tâm về đội ngũ SV. Mặc dù mới bước vào năm học mới được một tháng, nhưng chúng tôi rất kỳ vọng vào lực lượng này. Một tín hiệu vui là các em thường xuyên lên thư viện nhà trường, nên chúng tôi phải bố trí mở cửa thông trưa để phục vụ kịp thời” - TS Cường vui vẻ cho biết. 

Ngoài chất lượng đầu vào là SV, nhân tố con người còn nằm ở chất lượng giáo viên (GV). Như trong giai đoạn chuyển mình vừa rồi, ĐH Thủ đô có nhiều thầy cô có kinh nghiệm giảng dạy nghỉ hưu. Để bổ sung nguồn nhân lực bị thiếu, nhà trường đã tìm theo 2 nguồn: Thứ nhất, mời những thầy cô có trình độ cao ở các cơ sở khác về; thứ hai, cử đội ngũ giảng viên trẻ đi học nâng cao. Đối với những người mới tuyển về được bố trí làm nghiên cứu khoa học để chuyển giao được những sản phẩm chất lượng cao cho nhà trường. “Hiện giờ trường có 1 GS, 5 PGS, hơn 30 TS và gần 30 nghiên cứu sinh.

Chúng tôi hy vọng trong 5 năm tới có thể đào tạo một số ngành ở bậc thạc sĩ” - TS Cường cho biết: “Hiện nay, đội ngũ nhân lực đều đáp ứng đủ cho các ngành đào tạo ĐH. Nhưng cùng một lúc không thể xin Bộ GD&ĐT cho phép được mở hết các ngành. Vì thế, nhà trường tập trung mở các ngành có thế mạnh ở bậc tiểu học như Giáo dục mầm non, SP Toán, SP Ngữ văn, Giáo dục chính trị, Quản lý giáo dục và 4 ngành ngoài SP hướng đến 4 dịch vụ là Tiếng Trung Quốc, Tiếng Anh, Việt Nam học và Công nghệ kỹ thuật môi trường”.

Còn ở trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội, đội ngũ giảng viên luôn được coi là yếu tố quyết định sự thành công trong hoạt động đào tạo. Bởi thế, trường tuyển dụng GV rất khắt khe. Để đủ điều kiện, ứng viên phải có bằng tốt nghiệp loại khá, giỏi của các trường ĐH, tiếp đến là phải được đánh giá qua nhiều vòng thi (Tiếng Anh, Tin học, Phỏng vấn, Giảng bài) để đảm bảo chất lượng giảng dạy. 

“Trong hoạt động đào tạo nghề, chúng tôi đặc biệt chú ý đến sự kết hợp với các đối tác. Từ khi đi vào hoạt động, nhà trường thành lập Trung tâm quan hệ DN là đầu mối để kết nối với các DN. Đến nay, chúng tôi có sự kết hợp với nhiều công ty lớn có thương hiệu ở trong nước cũng như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… trong việc cung cấp thiết bị, tài trợ học bổng cho sinh viên, tạo điều kiện cho SV được học và làm việc tại DN để giúp các em có thêm kiến thức và kỹ năng” - TS Khánh cho biết thêm.

Nhiều SV có cơ hội chọn nơi làm việc

Đầu ra có việc làm là mối quan tâm của nhiều người, nhất là khi số lượng cử nhân tốt nghiệp không tìm việc làm ngày càng tăng. Song, SV trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội không quá lo lắng về tìm việc làm. Thậm chí, nhiều em có cơ hội được lựa chọn công việc phù hợp với nhu cầu và mức lương khá. Đó là lý do vì sao có những SV đã đậu vào những trường ĐH có danh tiếng như ĐH Ngoại thương Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh… sẵn sàng từ bỏ giảng đường ĐH để đi học nghề tại ngôi trường này. Theo thống kê của trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội, tỷ lệ SV có việc làm sau khi tốt nghiệp một năm lên tới 96%. Ngay tại thời điểm nhà trường trao bằng cho SV tốt nghiệp năm 2015 vừa qua, 800 em đã có việc làm. Có em làm giám đốc với mức lương 40 triệu đồng/tháng, những em khác có mức thu nhập dao động từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. 

Các DN nhận SV vào làm việc có những nhận xét gì? Trả lời câu hỏi này, TS Khánh chỉ cười: “DN Samsung tuyên bố ưu tiên tuyển dụng SV của trường. Không những thế, họ còn tuyển trước 6 tháng SV tốt nghiệp. Nhà trường có sổ theo dõi SV ra trường và biết nhiều em có cơ hội thăng tiến cao, không hiếm em làm quản lý. Có nhiều trường hợp một gia đình có 3 anh em ruột, nhiều anh em sinh đôi, có cả mẹ và con cùng theo học một nghề tại trường của chúng tôi”. Ở ĐH Thủ đô, SV tốt nghiệp ngành SP Giáo dục tiểu học, Giáo dục mầm non tỷ lệ có việc làm lên tới gần 100%, các ngành khác khoảng 75% khi vừa tốt nghiệp. 

Tổng kết từ lãnh đạo các nhà trường cho thấy, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bên cạnh việc đề ra chính sách cũng như chiến lược hoạt động lâu dài, chính là quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo. Và trong hoạt động đào tạo cũng phải đi trước đón đầu để không bị tụt hậu và đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội để mang đến thành công, thay vì thụ động ngồi chờ như kiểu thời bao cấp.