Theo thống kê, kể từ khi bùng phát tháng 2/2019, đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại hơn 8.200 xã thuộc hơn 650 huyện của 63 tỉnh, TP. Tổng số lợn bị tiêu hủy là 5,6 triệu con, với tổng trọng lượng lợn là hơn 320.000 tấn (chiếm khoảng 8,3% tổng trọng lượng lợn cả nước).
Riêng tại Hà Nội, tính đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại gần 40% tổng số hộ chăn nuôi lợn tại 24 quận, huyện, thị xã. Tổng số lợn bị tiêu hủy là trên 535.500 con, chiếm gần 29% tổng đàn, với trọng lượng khoảng 37.000 tấn.
Hiện, có 3.591 xã thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, TP đã qua 30 ngày không phát sinh thêm dịch bệnh. 10 tỉnh, TP có trên 80% số xã đã qua 30 ngày. Đặc biệt, Hưng Yên đang tiến hành các thủ tục công bố hết dịch trên địa bàn.
Theo đánh giá, bệnh DTLCP đã qua giai đoạn đỉnh điểm (tháng 5/2019 với tổng số 1,27 triệu con lợn bị tiêu hủy), và đang có chiều hướng giảm mạnh (tháng 9/2019 có trên 678.000 con lợn bị tiêu hủy, giảm 46,6% so với tháng 5). Dự báo đến hết tháng 10/2019, sẽ có thêm khoảng 500.000 con lợn bị tiêu hủy, giảm 60,7% so với cao điểm dịch bệnh hồi tháng 5/2019.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, chăn nuôi Việt Nam trong khoảng 20 năm gần đây đã có bước chuyển căn bản và phát triển nhanh. Việt Nam đã sản xuất được 5 triệu tấn thịt, trong đó 70% là thịt lợn; 2 tỷ quả trứng; 400 triệu con gà, 8 triệu tấn thuỷ sản… Cùng với đó là hoàn thiện những khâu quan trọng nhất trong nền chăn nuôi hiện đại, nhất là thức ăn chăn nuôi và kiểm soát thú y.
Tuy nhiên, những thách thức cho ngành chăn nuôi vẫn rất lớn. Sở dĩ vậy là bởi hiện nay, chăn nuôi vẫn là kế sinh nhai của 35% lao động nông thôn. Chăn nuôi tập trung chủ yếu tại khu vực đồng bằng, đông dân cư. Biến đổi khí hậu cực đoan, nhanh chóng và gây tổn thương lớn, có tác động trực tiếp đến người nông dân và ngành nông nghiệp.
Đặc biệt, cứ về cuối năm, ngành chăn nuôi lại gặp nhiều dịch bệnh, là thời điểm mua nhiều nhất, bán nhiều nhất, tiêu thụ nhiều sản phẩm chăn nuôi nhất, nhưng thời tiết bất thuận cho chăn nuôi nhất.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy nơi nào làm tốt, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh động vật thì đều khống chế hiệu quả. Việc bệnh DTLCP đã qua giai đoạn đỉnh điểm và dần được khống chế là minh chứng cho hiệu quả thực thi đồng bộ các giải pháp phòng, chống của các bộ ngành, các địa phương trong thời gian qua.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, con gì cũng có mặt trái, cũng có cái yếu. Vắc xin chỉ là một giải pháp. Nếu làm tốt chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp chế phẩm vi sinh, thì việc khống chế dịch bệnh động vật nói chung, bệnh DTLCP nói riêng hoàn toàn có thể sớm được khống chế thành công.