Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng khá so với cùng kỳ năm trước là do lượng khách quốc tế và du lịch trong nước tăng cao. Đồng thời, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình có xu hướng tăng trong những ngày đầu năm mới.
Xu hướng ăn ngoài kéo theo sự gia tăng của hàng loạt các loại hình ăn uống như nhà hàng, quán ăn từ sang trọng đến bình dân để phục vụ các đối tượng khác nhau. Các quán ăn Hàn, Nhật đổ bộ vào thị trường VN và dù rộ lên đã gần chục năm nay nhưng đến lúc này vẫn thu hút rất đông thực khách. Những thương hiệu nổi tiếng luôn trong tình trạng kín chỗ ở mọi thời điểm.
Một số địa phương có doanh thu tăng khá so với cùng kỳ năm trước như Quảng Ninh tăng 29,9%; Thanh Hóa tăng 15,2%; TP Hồ Chí Minh tăng 8,9%; Hà Nội tăng 8,5%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 361,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,38%.
Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ trong tháng giáp Tết Nguyên đán diễn ra sôi động, nhu cầu mua sắm của người dân tăng. Các doanh nghiệp và hệ thống siêu thị đã chủ động dự trữ hàng hóa, nguyên liệu nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Mậu Tuất.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1 ước tính đạt 272 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Hà Nội tăng 16,2%; Hải Phòng tăng 13,6%; Bắc Ninh tăng 13,1%; Đà Nẵng tăng 13%; Cần Thơ tăng 12,9%; Khánh Hòa tăng 12,4%.