Hà Nội cũng là địa phương duy nhất đến nay đảm bảo hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin, điển hình là Hệ thống dịch vụ công mức độ 3 lĩnh vực tư pháp đã được triển khai đồng bộ, thống nhất tới 100% xã, phường, thị trấn...
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, bà Phan Lan Tú – Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội khẳng định, để có được kết quả này, Hà Nội đã không ngừng nỗ lực và đạt được sự quyết tâm, đồng thuận cao từ người đứng đầu TP đến toàn bộ cán bộ công chức, viên chức cấp xã, phường và người dân.
Năm qua, Hà Nội tập trung triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Vậy, kết quả cụ thể như thế nào, thưa bà?
- Năm 2016, UBND TP đã ban hành Kế hoạch về việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), Kế hoạch triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cấp phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP. Có thể nói, kết quả đạt được là rất đáng khích lệ.
Chúng tôi đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến của TP Hà Nội (http://egov.hanoi.gov.vn/). Đây là sẽ địa chỉ tích hợp duy nhất trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của toàn TP và sẽ là kênh tiếp nhận ý kiến góp ý, chuyên mục hỏi đáp trực tuyến cho người dân và DN về giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Đặc biệt, TP đã hoàn thành việc triển khai khai thác Cơ sở dữ liệu dân cư, các dịch vụ công mức độ 3, trước mắt đối với một số dịch vụ công thuộc lĩnh vực tư pháp (khai sinh, khai tử). Theo đó, 168 phường thuộc 12 quận nội thành, chạy chính thức từ ngày 10/8/2016, cho đến nay, tỷ lệ hồ sơ giao dịch trực tuyến đạt tỷ lệ trên 75%. 139 xã thuộc 6 huyện: Đông Anh, Ba Vì, Sóc Sơn, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì, chạy chính thức từ ngày 10/11/2016, cho đến nay, tỷ lệ hồ sơ giao dịch trực tuyến đạt tỷ lệ trên 25%. 277 xã thuộc 12 huyện, thị xã còn lại, chạy chính thức từ ngày 15/12/2016.
Ngoài ra, Hà Nội cũng tập trung ứng dụng CNTT trong một số lĩnh vực như: Ứng dụng CNTT trong công tác hỗ trợ, khuyến khích hỏa táng để giảm bớt thủ tục, thời gian đi lại của công dân (hiện đã triển khai tại các điểm giao dịch của Ban phục vụ tang lễ); Phần mềm thu thập thông tin chứng sinh (triển khai thí điểm tại Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Nhà hộ sinh quận Ba Đình); Giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo (hiện đã triển khai thí điểm tại 4 đơn vị trong năm 2015 và chuẩn bị triển khai diện rộng trong năm 2016); Triển khai ứng dụng trong giám định bảo hiểm y tế; Trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, du lịch, LĐTB&XH, quản lý đô thị.
Hồi đầu tháng 12/2016, một số xã cho biết họ vẫn thiếu máy tính, máy quét để hỗ trợ người dân khi đến làm TTHC. Đến nay, tình trạng này đã được cải thiện như thế nào?
- Để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong giải quyết TTHC về lĩnh vực tư pháp, hộ tịch của UBND các phường, xã, thị trấn; đồng thời để triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp được đồng bộ và kết nối liên thông giữa các cơ quan Nhà nước, giữa người dân với các cơ quan Nhà nước… thì việc đầu tư trang thiết bị đồng bộ cho bộ phận giải quyết TTHC tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP là hết sức cần thiết.
Thời gian đầu có xảy ra tình trạng trang thiết bị phục vụ hệ thống dịch vụ công trực tuyến tại một số đơn vị chưa đảm bảo số lượng, chất lượng. Nắm được tình hình này, ngày 22/11/2016, TP đã ban hành Quyết định số 6400/QĐ-UBND phân bổ kinh phí cho các huyện, thị xã để mua sắm trang thiết bị phục vụ triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp.
Đến nay, các đơn vị cơ bản hoàn thành việc mua sắm trang thiết bị tại các xã, phường, thị trấn (2 máy tính, 1 máy in, 1 máy quét phục vụ cán bộ công chức và người dân) mà TP giao.
Vẫn còn những cán bộ cấp xã chưa thạo sử dụng phần mềm máy tính, thậm chí chưa biết dùng máy tính dù đã được tham gia lớp tập huấn của Sở TT&TT. Làm sao để “xóa mù” máy tính và phổ cập tin học cho các cán bộ ở vùng sâu, vùng xa, bảo đảm sử dụng thành thạo liên thông toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của TP?
- Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, đến tháng 11/2016, đã tổ chức đào tạo kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản cho 315 lớp (8.962 học viên) đảm bảo 100% cán bộ công chức xã, phường, thị trấn được đào tạo “chuẩn CNTT năm 2016”, đồng thời tổ chức đào tạo cho 2.000 viên chức ngành giáo dục.
Đối với việc tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm dùng chung của TP, chúng tôi đã tổ chức đào tạo 37 lớp tập trung tại Trung tâm đào tạo CNTT và truyền thông, tổng số cán bộ tham gia lớp học 1.030 cán bộ của 10 quận và 6 huyện: Thanh Oai, Đan Phượng, Quốc Oai, Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức. Tổ chức đào tạo 40 lớp trực tiếp tại cơ sở cho 12 huyện, tổng số cán bộ tham gia lớp học 1.239 cán bộ.
Mặc dù vậy, vẫn còn một số cán bộ còn chưa quen các thao tác xử lý phần mềm, chúng tôi đã tổ chức đào tạo lại cho 251 cán bộ của 9/12 quận có yêu cầu.
Với những cán bộ quá "yếu" về trình độ tin học, không thể tiếp thu và áp dụng CNTT vào quá trình giải quyết các TTHC dù đã qua đào tạo tập huấn thì sẽ có hướng xử lý ra sao?
- Về việc xử lý cán bộ quá yếu về trình độ tin học không tiếp thu và áp dụng CNTT vào giải quyết TTHC, ngày 21/6/2016, UBND TP Hà Nội ban hành Văn bản 3718/UBND-KGVX về việc thực hiện công tác đào tạo CNTT cho cán bộ, công chức cấp xã và viên chức ngành giáo dục.
Theo đó, quy định đối với các học viên không đủ điều kiện thi, không được cấp chứng chỉ cuối khóa phải tham gia đào tạo lại, tự chịu trách nhiệm về kinh phí đào tạo; thực hiện đào tạo cho các đối tượng là cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và viên chức ngành giáo dục. Không tổ chức thi đối với các học viên nghỉ quá 10% số tiết học cho phép. Các đơn vị phải chịu trách nhiệm trước UBND TP trong việc học viên thuộc đơn vị không đủ điều kiện thi, không được cấp chứng chỉ cuối khóa, coi đây là một tiêu chí xem xét, xếp loại đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ đối với học viên không hoàn thành các khóa học, xem xét bố trí công tác khác đối với cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, không có chứng chỉ khóa học do TP tổ chức.
Xin cảm ơn bà!
Ngay trong quý I/2017, Hà Nội sẽ triển khai cung cấp 120 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 với lộ trình 3 đợt. Thông tin này được Giám đốc Sở TT&TT Phan Lan Tú chính thức công bố chiều 19/1. Theo đó, đợt 1 vận hành chính thức từ ngày 19/1/2017, gồm 27 dịch vụ công; đợt 2 vận hành chính thức từ ngày 1/3/2017, gồm 20 dịch vụ công; và đợt 3 vận hành chính thức từ ngày 15/3/2017 gồm 73 dịch vụ công. 27 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong đợt 1 gồm: Cấp Sở, triển khai 20 dịch vụ của Sở: Tư pháp (12 dịch vụ về đăng ký hành nghề luật sư); VH&TT (2 dịch vụ về cấp giấy phép thực hiện quảng cáo); Du lịch (6 dịch vụ về cấp thẻ hướng dẫn viên); Cấp quận, triển khai 1 dịch vụ công “Cấp bản sao trích lục hộ tịch (khai sinh)” tại 12 UBND quận; Cấp phường, triển khai 6 dịch vụ tại 168 UBND phường thuộc 12 quận, gồm: 2 dịch vụ về đăng ký kết hôn, 2 dịch vụ về đăng ký giám hộ, 1 dịch vụ “cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân”, 1 dịch vụ “cấp bản sao trích lục hộ tịch”. |