Phản ứng với cuộc khủng hoảng Covid-19 được cho đã củng cố vai trò của đồng USD là loại tiền tệ dự trữ của thế giới, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là ngân hàng trung ương mạnh nhất toàn cầu. Fed đã và đang tích cực ra tay để thể hiện vị thế là người bảo vệ thực tế cho cả đồng tiền quốc nội và hoạt động của thị trường tài chính toàn cầu.
Bên cạnh đó, các ý đồ thay thế đồng bạc xanh dường như đang biến mất. Trong nhiều năm qua, giới chuyên gia đã dự đoán về loạt thách thức đối với uy quyền của đồng USD, bao gồm sự ra mắt của đồng Euro năm 1999, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, hay việc đồng NDT của Trung Quốc gia nhập Giỏ tiền tệ quốc tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) năm 2016. Và ngay cả với sự xuất hiện của nhiều loại tiền điện tử, đồng USD vẫn duy trì vị thế của nó.
Rõ ràng, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã luôn ưu tiên chọn USD để dự trữ. Theo dữ liệu từ IMF, hơn 6,7 nghìn tỷ USD, tương đương 60%, dự trữ ngoại hối có chủ quyền trị giá 11 nghìn tỷ USD đã được sử dụng bằng USD vào cuối năm ngoái. Trong khi đó, NDT chiếm chưa đến 2%, khoảng 217,7 tỷ USD.
Bất kể các công ty Mỹ hoặc châu Âu đang tỏ ra sẵn sàng từ bỏ thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc, việc đa dạng chuỗi cung ứng được cho khó làm suy yếu vị thế của đồng USD, bởi trước hết, xu hướng này chắc chắn cũng không củng cố vị thế cho "đối thủ" NDT.
Thêm vào đó, một thực tế được chỉ ra rằng nhiều nhà máy rời khỏi Trung Quốc nhưng họ đã chuyển đến những nơi như Việt Nam hoặc Mexico, thay vì các vùng đất công nghiệp của Mỹ, cho thấy sự bền vững của toàn cầu hóa bất chấp chủ nghĩa bảo hộ manh nha đe dọa thu hẹp thương mại.
Bloomberg kết luận, nước Mỹ luôn tỏ ra tự tin khi nói đến đồng USD, bởi ngay cả trong một cuộc khủng hoảng, vị thế của nó là quá lớn để bất cứ điều gì có thể đánh bại.