Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm danh các trường đại học có lộ trình lên đại học

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhiều cơ sở đào tạo đại học lớn trên cả nước đã và đang thực hiện chuyển đổi số, tăng cường quản trị, nâng cao vị thế để chuyển đổi từ trường đại học lên thành đại học.

Tân sinh viên nhập học năm học mới (Ảnh: ĐHY)
Tân sinh viên nhập học năm học mới (Ảnh: ĐHY)

Trường ĐH Y Hà Nội đang xây dựng đề án để phát triển thành đại học. Đây là tiết lộ của GS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng nhà trường tại lễ khai giảng năm học 2023 – 2024.

Theo đó, với trường ĐH Y Hà Nội, năm học này sẽ đi cùng với nhiều chủ trương và hoạt động lớn như thực hiện tự chủ đại học, chuẩn bị đề án phát triển thành ĐH Y Hà Nội, đổi mới căn bản, toàn diện chương trình đào tạo bác sỹ y khoa giai đoạn 3, đổi mới chương trình đào tạo sau đại học; chuẩn bị cho các hoạt động kiểm định chương trình đào tạo...

ĐH Y Hà Nội đang xây dựng lộ trình lên đại học
Trường ĐH Y Hà Nội đang xây dựng lộ trình lên đại học

Trước đó, nhiều trường đại học đã công bố kế hoạch, đề án, lộ trình lên đại học. Tại phía Bắc, cuối năm 2021, Hội đồng trường Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội ban hành nghị quyết thành lập Trường Ngoại ngữ - Du lịch. Đây là trường đầu tiên được thành lập trong Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội trên cơ sở nhập Khoa Ngoại ngữ (thành lập năm 2005) và Khoa Du lịch (thành lập năm 2000). Lộ trình chuẩn bị các điều kiện để chuyển lên ĐH của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội được xác định là đến 2025.

Trong kế hoạch 5 năm tới, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có định hướng chiến lược để trở thành đại học. Theo đó, cơ cấu của ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ có ít nhất 3 trường thành viên: Trường Kinh tế, Trường Kinh doanh và Trường Khoa học công nghệ.

Trường ĐH Ngoại thương cũng có chiến lược phát triển theo hướng ĐH đa ngành, đa lĩnh vực và có lộ trình phát triển phù hợp với mục tiêu đặt ra trong chiến lược. 

Tại phía Nam, từ cuối tháng 10/2021, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh chính thức công bố thành lập 3 trường thành viên thuộc trường, gồm: Trường Kinh doanh UEH; Trường Kinh tế, luật và quản lý nhà nước UEH; Trường Công nghệ và thiết kế UEH. Với việc ra mắt 3 trường này, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu mô hình trường trong trường ĐH và tiếp tục các công việc thực hiện đề án tái cấu trúc. Theo lộ trình, giai đoạn 2022 - 2025 trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án thành lập ĐH UEH.

Trường ĐH Cần Thơ có chủ trương phát triển thành ĐH gồm nhiều trường thành viên. Tháng 6/2021, Hội đồng trường Trường ĐH Cần Thơ ban hành Nghị quyết 34 phê duyệt chủ trương chuyển Trường ĐH Cần Thơ thành ĐH Cần Thơ. Nghị quyết này giao hiệu trưởng xây dựng đề án và hoàn thiện các thủ tục pháp lý trình các đơn vị chức năng có thẩm quyền quyết định.

Đầu tháng 7/2021, Hội đồng trường Trường ĐH Cần Thơ tiếp tục có Nghị quyết 36 phê duyệt chủ trương thành lập 4 trường thuộc Trường ĐH Cần Thơ, gồm: Trường Kinh tế trên cơ sở khoa kinh tế; Trường Bách khoa trên cơ sở khoa công nghệ; Trường Nông nghiệp trên cơ sở khoa nông nghiệp và Trường Công nghệ thông tin và truyền thông trên cơ sở khoa công nghệ thông tin và truyền thông. Nghị quyết giao hiệu trưởng xây dựng đề án thành lập 4 trường và trình hội đồng trường quyết định.

Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh và Trường ĐY Dược TP Hồ Chí Minh cũng từng vạch ra chiến lược phát triển lâu dài theo mô hình đại học với các trường thành viên.

Hiện cả nước có 6 đại học, trong đó có 2 đại học quốc gia gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh; 4 đại học vùng, tương đương vùng thuộc Bộ GD&ĐT gồm: ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng và ĐH Bách khoa Hà Nội.

 

Tại Việt Nam, "trường đại học" và "đại học" là 2 khái niệm hoàn toàn khác biệt. Chính phủ quy định các trường đại học muốn chuyển đổi thành đại học cần ít nhất 3 cơ sở giáo dục trực thuộc, 10 ngành đạo tạo tiến sĩ và 15.000 sinh viên trở lên.