Trạm quan trắc không đủ “phủ sóng”Theo ông Hoàng Phúc Lâm - Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thời gian qua, mặc dù đã tiếp cận được nhiều công nghệ mới, mô hình số kết hợp với các kỹ thuật viễn thám, vệ tinh, radar, nhưng công tác dự báo của Trung tâm vẫn gặp khó khăn. Nguyên nhân là do mật độ trạm quan trắc còn rất thưa, công nghệ lại cũ so với khu vực. Tỷ lệ những trạm khí tượng, trạm đo mưa, trạm quan trắc về mực nước tự động còn rất ít, làm cho việc tiếp nhận số liệu không đầy đủ, chính xác và kịp thời...“Hơn nữa, công tác dự báo đang phát triển và Việt Nam mới có sự đầu tư đồng bộ trong một vài năm gần đây, nên còn cần thời gian đào tạo cán bộ, làm chủ công nghệ và phải kết hợp để xây dựng công nghệ phù hợp nhất cho Việt Nam" - ông Lâm chia sẻ.
Cũng theo ông Lâm, hiện nay Việt Nam đã cảnh báo sớm được không khí lạnh, các đợt mưa lớn, diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới... song vẫn chưa thể dự báo được lũ quét, sạt lở đất. Nguyên do là lũ quét, sạt lở đất xảy ra trong thời gian ngắn và ở khu vực nhỏ nên việc giám sát, theo dõi, dự báo là gần như không thể, mà chỉ dừng ở mức cảnh báo nguy cơ có thể xảy ra.
Được biết, hiện hệ thống quan trắc của Việt Nam còn mỏng, chỉ có hơn 300 trạm đo mưa tự động, 200 trạm khí tượng, 300 trạm thủy văn để quan trắc, xác định lượng mưa. Ngay cả khu vực hồ Hòa Bình cũng có các thiết bị đo mưa, nhưng không đủ để “phủ sóng” toàn mặt hồ rộng gần 17.000ha, chứa hơn 9 tỷ mét khối nước để theo dõi. Chính vì vậy, công tác dự báo vẫn trong tình trạng “cái khó bó cái khôn”.
Thời tiết diễn biến khó lườngTrước lo ngại hiện tượng El Nino sẽ quay trở lại như mấy năm trước vì nắng nóng gay gắt xuất hiện ngay đầu mùa, ông Lâm cho hay, ENSO (tên viết tắt của cả hiện tương El Nino và La Nina - PV) hiện tại đang ở pha trung tính và được dự báo sẽ còn giữ ở pha trung tính tới cuối năm 2018. El Nino (nếu có) có thể gia tăng mức độ nắng nóng chứ không phải là nguyên nhân gây ra nắng nóng. Năm nay nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ xuất hiện muộn, không kéo dài và gay gắt như năm 2017. Nguyên nhân là do trong tháng 4/2018 có mưa nhiều hơn so với mọi năm, vì thời gian này không khí lạnh vẫn hoạt động khá đều đặn, mỗi đợt không khí lạnh dồn xuống lại mang theo mưa và khiến nhiệt độ không tăng cao.
Về tình hình mưa bão, ông Lâm cho biết, dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2018 có khả năng tương đương so với trung bình nhiều năm (TBNN). Cụ thể sẽ có khoảng 12 - 14 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông và khoảng 4 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Vào thời kỳ đầu mùa, bão và ATNĐ có xu hướng xuất hiện nhiều hơn so với TBNN ở khu vực phía Bắc Biển Đông và xu hướng sẽ dịch dần về phía Nam Biển Đông trong những tháng cuối năm 2018. Bão và ATNĐ có khả năng ảnh hưởng nhiều hơn tới khu vực Trung Bộ. Theo đó, bão thường đổ vào miền Bắc trong đầu mùa bão, vào miền Trung ở giữa mùa và dịch dần xuống phía Nam miền Trung và Nam Bộ vào cuối mùa.
Tuy nhiên đây chỉ là dự báo dài hạn, bởi theo ông Lâm hiện nay diễn biến thời tiết rất dị thường và khó lường. Ví như tháng 2/2017, các mô hình dự báo trên thế giới đều dự báo cuối năm 2017 và đầu 2018 nghiêng về El Nino; nhưng đến tháng 5/2017 thì Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia đưa ra dự báo nghiêng về La Nina. Thực tế năm 2017, Việt Nam phải chịu thiên tai khắc nghiệt với những con số gần như kỷ lục về bão, những con số lịch sử về nắng nóng và lũ ống lũ quét. Đặc biệt, dưới tác động của La Nina, mưa lũ nhiều hơn, lượng mưa lớn hơn, mùa Đông năm 2017 lạnh nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.