Với chủ đề “Tương lai mới của châu Á – Sức sống mới và viễn cảnh tầm nhìn mới”, Diễn đàn năm 2016 sẽ tập trung thảo luận về tình hình tài chính thế giới, động lực mới thúc đẩy sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, vai trò của châu Á trong việc thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển…
Theo báo cáo mang tên Tiến trình Hội nhập Kinh tế châu Á 2017 công bố trong khuôn khổ Diễn đàn, việc kinh tế Mỹ tăng nhiệt và chính sách mang hơi hướng bảo hộ của Tổng thống Mỹ, hiện tượng Brexit và một loạt cuộc bầu cử sắp tới của châu Âu là những thách thức tiềm tàng với triển vọng kinh tế châu Á.
Châu Á đang phải đối mặt với các nhiệm vụ cải cách để ứng phó với sự thay đổi của chuỗi giá trị toàn cầu, hội nhập tài chính khu vực suy giảm, nguồn cầu nội tại thấp và thiếu cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ, theo báo cáo.
Diễn đàn bắt đầu từ hôm 23/3 và khai mạc hôm 24/3. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự kiến có bài phát biểu tại Diễn đàn.
Trong khuôn khổ 4 ngày của Diễn đàn, sẽ có hơn 80 hoạt động khác nhau như hội thảo chuyên đề, thảo luận bàn tròn, đối thoại trực tiếp… với sự tham dự của hơn 300 diễn giả và 1.700 đại biểu, tiến hành thảo luận tất cả các góc độ khác nhau của tình hình kinh tế thế giới và châu Á, trong đó đi sâu thảo luận 6 nội dung chính gồm đổi mới sáng tạo, liên kết khu vực, điều tiết vĩ mô nền kinh tế, vấn đề kinh tế nổi bật, hiện tượng kinh tế mới nổi và ngành nghề mới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sẽ dự phiên khai mạc Diễn đàn.Các nền kinh tế châu Á cần tăng cường tính cộng đồng và tiếp tục có các chiến lược hợp tác hơn nữa để giải quyết vấn đề kinh tế bất ổn trong khu vực, theo một báo cáo tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao.