Ông Putin khuyến nghị Nga và EU xích lại gần nhau chứ không tiếp tục xa cách và đề xuất ý tưởng về khu vực mậu dịch tự do mới bao trùm toàn bộ châu Âu, nước Nga và cả Trung Quốc, tức là kết hợp EU, Liên minh Âu - Á và Trung Quốc. Từ Thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha đến tận Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, liên kết và hợp tác kinh tế, thương mại này trên thực tế trải dài và trùm phủ cả hai châu lục. Nhưng bước đi đầu tiên phải là Nga và EU xích lại gần nhau. Trong thời gian vừa qua, hai bên có sự xa cách do những chuyện xảy ra ở Ukraine, và bởi Nga tiếp nhận Crimea và hậu thuẫn phe ly khai ở Ukraine. Do đó, EU áp dụng những biện pháp trừng phạt Nga về kinh tế, thương mại và tài chính. Cũng vì thế mà NATO chuyển hẳn từ hợp tác sang đối địch với Nga.
Ông Putin đưa ra những mời chào và đề nghị nêu trên bởi trong nội bộ EU và NATO đã xuất hiện những bất đồng quan điểm nhất định về chính sách đối với Nga. Trên danh nghĩa, Mỹ và EU vẫn thực thi chủ ý cô lập Nga về chính trị. Vậy mà tới tham dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg năm nay ở Nga có rất đông đảo DN hàng đầu của Mỹ và EU, đặc biệt có sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban EU Jean - Claude Juncker và Thủ tướng Italia Mateo Renzy cũng như Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon. Đồng thời còn có chuyện Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank - Walter Steinmeier công khai phê phán việc NATO diễu võ dương oai với Nga. Đó là những dấu hiệu cho thấy trong nội bộ EU và NATO đã bắt đầu có những tiếng nói yêu cầu xem xét lại chính sách lâu nay đối với Nga. Có thể thấy, ông Putin đã tỏ ra rất khôn khéo và mềm dẻo khi chủ động ôn hòa trong tông điệu và đưa ra ý tưởng mới. Chỉ có điều là những đề xuất của ông Putin không chỉ hiện tại mà còn cả trong tương lai đều rất khó khả thi. EU và Nga đã xô đẩy nhau đi quá xa nên giờ xích lại gần nhau không hề dễ. Bên nào đi bước đầu tiên sẽ bị coi là thất thế và yếu thế, bị coi là đã thất bại trong cuộc ganh đấu vừa rồi. Chừng nào Nga không đáp ứng những điều kiện của EU, chừng đó EU chưa thể xích lại gần Nga như xưa trong khi Nga hiện không có ý định thỏa mãn những đòi hỏi của EU. Cả về ý tưởng khu vực mậu dịch tự do liên hai châu lục cũng vậy. EU đang quá vất vả với những chuyện nội bộ, trong đó đặc biệt là chuyện trưng cầu dân ý ở Anh và vấn đề tị nạn, nên không có tâm trí nào dành cho việc hợp tác với Nga về khu vực mậu dịch tự do mới. EU đâu có tin là những ý tưởng của ông Putin sẽ thành công. Cả ông Putin cũng biết là đề nghị khó khả thi, nhưng vẫn đưa chúng ra vì có lợi về chính trị và dư luận.