Sự tham gia của giới tài chính toàn cầu tại Diễn đàn kinh tế St Petersburg của Nga - hay còn được gọi là "Davos của Nga" - trong năm nay dự kiến sẽ bị ảnh hưởng, trong bối cảnh Moscow bị cô lập bởi các lệnh trừng phạt liên quan tới chiến sự ở Ukraine.
Những "gương mặt mới"
Theo Reuters, để bù đắp cho việc thiếu vắng các đại diện doanh nghiệp và tầng lớp tinh hoa phương Tây tham dự, Nga sẽ dành thêm vị trí cho các quốc gia nhỏ hơn hoặc các quốc gia như Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - không tham gia trừng phạt Moscow.
"Các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ đến từ Mỹ và Liên minh châu Âu," người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 14/6, ám chỉ tới các quốc gia Trung Đông và châu Á.
Tổng thống Vladimir Putin sẽ có bài phát biểu quan trọng vào ngày 17/6, theo đó tập trung vào tình hình kinh tế quốc tế và các nhiệm vụ của Nga trong tương lai gần, hãng thông tấn Interfax dẫn lời phụ tá Điện Kremlin Yuri Ushakov cho biết.
Ông cũng sẽ có cuộc họp báo bên lề diễn đàn vào khoảng 8 giờ tối cùng ngày (giờ địa phương).
Điện Kremlin khởi động Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg (SPIEF) vào năm 1997, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, thảo luận về chính sách kinh tế.
Từ lâu, Nga đã so sánh SPIEF với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) - sự kiện hàng năm dành cho các VIP toàn cầu được tổ chức tại khu nghỉ mát Alpine của Thụy Sĩ ở Davos.
Giờ đây, với việc các nhà lãnh đạo phương Tây cắt đứt các giao dịch với Nga, ông Putin sẽ không có cuộc gặp truyền thống với những nhân vật có ảnh hưởng chính trị cũng như các công ty lớn từ Mỹ và châu Âu. Không có tên của các công ty Mỹ và châu Âu hoặc CEO của họ trong lịch trình dự kiến của SPIEF từ ngày 15-18/6.
Phái đoàn cấp cao từ hơn 40 quốc gia được kỳ vọng góp mặt, trong khi 1.244 công ty Nga và 265 công ty nước ngoài đã xác nhận sẽ tham gia, phụ tá Điện Kremlin cho biết.
Mối quan hệ của Nga với phương Tây đã ảnh hưởng kể từ khi Moscow mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" đến Ukraine vào ngày 24/2 vừa qua.
Sự kiện đã từng chào đón Thủ tướng Đức Angela Merkel, cựu giám đốc IMF Christine Lagarde, Lloyd Blankfein của Goldman Sachs, Vikram Pandit của Citi và Rex Tillerson của ExxonMobil.
Trong những năm trước, các phiên họp của SPIEF sẽ tập trung vào các chủ đề định hướng đầu tư như tư nhân hóa ở Moscow và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
"Cơ hội mới trong thế giới mới"
Trong năm nay, Nga sẽ tập trung bàn thảo với tổng thống của các quốc gia đồng minh Kazakhstan và Armenia.
Hãng thông tấn RIA dẫn lời ông Ushakov cho biết, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi sẽ phát biểu tại cuộc họp thông qua hình thức trực tuyến.
Năm nay, tiêu đề chính thức của SPIEF là "Cơ hội mới trong thế giới mới". Các chủ đề của phiên họp bao gồm những khả năng mới cho tăng trưởng kinh tế Nga, cải thiện thương mại với năm cường quốc BRICS - không bao gồm phương Tây và tương lai của khu vực tài chính Nga.
Một phiên khác - "Một hình thức hợp tác quốc tế mới: thanh toán sẽ được thực hiện như thế nào?" - liên quan đến việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT toàn cầu và động thái tránh lệnh cấm bằng cách yêu cầu thanh toán cho xuất khẩu khí đốt bằng đồng rúp. Tham dự sự kiện sẽ có các đại diện từ Cuba và Venezuela cũng như Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, những nước không tham gia trừng phạt.
Sẽ có một phiên họp về "tin giả" - một hội thảo có sự tham dự của truyền thông nhà nước, Văn phòng Tổng Công tố và Bộ Ngoại giao khi Moscow theo đuổi cuộc chiến thông tin với phương Tây.
Các quốc gia khác cử quan chức tham dự hoặc phát biểu tại diễn đàn theo hình thức trực tuyến còn bao gồm Trung Quốc, Belarus, Cộng hòa Trung Phi, Ấn Độ, Iran, Nicaragua, Serbia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.