Hoa Đông căng thẳng
Trong lúc những tranh cãi giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến vùng lãnh thổ trên biển kéo dài gần 3 năm qua chưa kịp lắng xuống thì việc Bắc Kinh tuyên bố thành lập "khu vực xác định phòng không" (ADIZ) ở biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản không chỉ làm "tăng nhiệt" mối quan hệ căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu châu Á mà còn tạo ra nhiều nguy cơ với sự ổn định của khu vực. Dù Bắc Kinh khẳng định "đây là một biện pháp cần thiết để Trung Quốc thực hiện quyền tự vệ của mình", quan chức Nhật Bản đã khẳng định hành động này của Bắc Kinh là "rất nguy hiểm" và "có thể gây ra những vụ việc không thể lường trước".
Trên thực tế, quyết định thành lập ADIZ của Trung Quốc đã phủ bóng đen lên vùng biển Hoa Đông, khiến nó trở thành khu vực nhạy cảm nhất thế giới hiện nay. Nhiều nhà quan sát còn nhận định, bước đi này của Trung Quốc sẽ buộc Nhật Bản phải nhanh chóng xem xét quy định mới cho phép bắn hạ máy bay không người lái vào không phận của mình. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhắc lại rằng, hiện Nhật đang quản lý quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và theo Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ, nếu khu vực này bị tấn công, Washington sẽ lập tức bảo vệ đồng minh.COP19 và thỏa hiệp tối thiểu.
Trong khi đó, dù phải kéo dài thêm một ngày so với kế hoạch nhưng Hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 19 của Liên Hợp quốc (COP19) diễn ra tại Warszawa, Ba Lan (12 - 23/11) đã may mắn tránh được sự sụp đổ vào phút chót khi các đại biểu tham dự đã đạt được một thỏa thuận vừa phải, mở đường cho một Hiệp ước vào năm 2015 nhằm chống lại tình trạng Trái Đất nóng lên. Theo đó, các phái đoàn của hơn 190 quốc gia tham dự COP19 đã đồng ý một thỏa thuận phân bổ chỉ tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon giữa các nước giàu và các nước nghèo.
Tuy được nhìn nhận là một bước tiến triển vừa phải nhưng khi được ký kết vào năm 2015 và có hiệu lực sau năm 2020, nó sẽ trở thành thỏa thuận đầu tiên ràng buộc tất cả các quốc gia nhằm hạn chế lượng khí thải độc hại thải ra bầu khí quyển Trái Đất. Bên cạnh đó, thỏa thuận về việc tài trợ cho các nước dễ bị tổn hại vì biến đổi khí hậu cũng đạt được tiến triển vừa phải với các cam kết trị giá gần nửa tỷ USD của các nước phát triển.
WTO công bố 3 đề xuất đột phá
Sau hơn 12 năm bế tắc, đại diện Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết, sắp đạt được sự ký kết về một thỏa thuận nhằm tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại và hai văn bản khác liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và sự phát triển công bằng giữa các thành viên WTO.
Trong ngày hôm nay (25/11), Tổng Giám đốc WTO, ông Roberto Azevedo sẽ trình bày văn bản đầu tiên lên Đại Hội đồng - cơ quan cao nhất của WTO, nơi có đại diện của toàn bộ 159 thành viên. Dù mới dừng lại ở các đề xuất và các cuộc thảo luận mới chuẩn bị bắt đầu nhưng nhiều người lạc quan về khả năng hình thành một thỏa thuận mới chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu.
Giám đốc WTO Roberto Azevedo hy vọng tổ chức này sẽ thông qua được 3 thỏa thuận đột phá để chống lại tình trạng độc quyền thương mại. Ảnh: AFP
|