Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điệp khúc giải ngân vốn chậm

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giống như những năm trước, qua gần 2/3 quãng thời gian của năm nhưng giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt trên 40%. Nhiều bộ, ngành T.Ư và địa phương có số giải ngân thấp.

Nhiều đơn vị giải ngân chưa được 40% kế hoạch năm
Theo Bộ KH&ĐT, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2018 ước đạt 176,84 nghìn tỷ đồng, đạt 44,24% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 45,57% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước là 161,99 nghìn tỷ đồng, đạt 48,63% kế hoạch Thủ tướng giao; vốn ngoài nước là 14,85 nghìn tỷ đồng, đạt 27,02% kế hoạch Thủ tướng giao (cùng kỳ năm 2017 đạt 40,83% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn khoảng 14%).
 Chậm giải ngân vốn đầu tư công làm giảm hiệu quả kinh tế của các dự án. Ảnh: Chiến Công 
Vẫn còn nhiều bộ, ngành và địa phương có số giải ngân thấp, cụ thể 30/56 bộ, ngành và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch 8 tháng dưới 40% kế hoạch năm, thấp hơn mức trung bình của cả nước. Trong đó, còn 9 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 10%; một số bộ, ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn (Ủy Ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam; Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam; Liên minh hợp tác xã Việt Nam).

Qua rà soát của Bộ Tài chính cho thấy, việc giải ngân vốn của các bộ, ngành, địa phương thấp còn do một số khó khăn, vướng mắc như: Một số dự án có cơ chế cho vay lại, nhiều địa phương chưa đáp ứng được điều kiện giải ngân phần vốn cho vay lại; một số dự án xin tăng tổng mức đầu tư; một số dự án hết thời hạn thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhưng vẫn chưa giải ngân hết; một số dự án giải ngân chậm do cơ quan chủ quản chậm giao kế hoạch vốn,...

"Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư cho giao thông đã thành một căn bệnh mãn tính, diễn ra từ năm này qua năm khác. Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo người đứng đầu các bộ, ngành T.Ư, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ nguyên nhân của việc chậm giải ngân kế hoạch vốn; đề xuất giải pháp và kiến nghị; đồng thời có cam kết cụ thể về việc giải ngân hết kế hoạch vốn nhưng đến nay vẫn chưa thấy có vụ việc (chậm giải ngân) nào được làm rõ ai là “thủ phạm”, cũng chưa thấy ai bị phạt cả. "- TS Đinh Trọng Thịnh

- Học viện Tài chính

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công chậm là “căn bệnh” mà suốt 3 năm nay gặp phải sau khi Luật Đầu tư công có hiệu lực. Năm 2016, chúng ta nói do bộ máy Chính phủ mới nên gặp lúng túng, nhưng đến năm 2017 tình trạng này vẫn tiếp diễn khi phân vốn tới 11 lần. Và năm 2018, có trường hợp đến thời điểm tháng 5, 6 vẫn chưa phân xong vốn đầu tư trung hạn thì làm sao giải ngân nhanh được?

Khó về đích đúng hạn

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hệ quả của việc giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ khiến lãng phí từ việc công trình chậm đưa vào sử dụng, hai là tiền để đấy không giải ngân vào dự án thì Nhà nước phải trả lãi cao. Vì thế, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đang là một trong những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ hiện nay.

Năm 2018, tại Nghị quyết 01, Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công. Việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội là một thách thức. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm có nhiều vấn đề, không chỉ có vướng mắc ở luật. Nhiều chủ đầu tư vẽ ra các dự án nhỏ, vốn ít để được phê duyệt đầu tư, sau đó lại điều chỉnh để được tăng vốn theo kiểu “sự đã rồi”. Điển hình như dự án nạo vét, xây kè bảo vệ cảnh quan sông Sào Khê (Ninh Bình) “đội vốn” 36 lần, từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng; Dự án nạo vét sông Đáy (cũng của Ninh Bình) tăng vốn “khủng” từ 2.078 tỷ đồng lên 9.720 tỷ đồng (tăng hơn 7.000 tỷ đồng).

Theo ông Thịnh, dù có thay đổi quy định pháp luật để cải cách thủ tục hành chính, giúp giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn, nhưng quan trọng vẫn phải có các điều khoản để khống chế trách nhiệm của người đứng đầu. Qua đó, tránh lặp lại tình trạng trước đây, là không rõ trách nhiệm dẫn tới phê duyệt dự án đầu tư từ ngân sách tràn lan, kém hiệu quả, không vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chỉ vì lợi ích nào đó.

Đại diện một ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT cho rằng, để khắc phục tình trạng chậm giải ngân thì các bộ, ngành cần phê duyệt kế hoạch vốn vào cuối năm trước để đầu năm sau có thể giải ngân. Nếu nguồn vốn được giao sớm sẽ không bị chậm. Bên cạnh đó, cơ quan chủ quản cần điều phối vốn một cách linh hoạt. Ví dụ, những dự án không giải ngân được hoặc giải ngân chậm thì phải mạnh dạn cắt vốn để chuyển sang những dự án khác, tốt hơn, nhằm tránh lãng phí và tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh.

"Nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công do cả chính sách và thực thi, trong đó vấn đề thực thi là yếu tố quan trọng vì cùng một mặt bằng chính sách nhưng tiến độ giải ngân giữa nhiều bộ, ngành, địa phương chênh lệch rất lớn. Chính phủ cần tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính. Tới đây, ngay cả sửa Luật Đầu tư công, cũng nên quy định ngay trong luật chặt chẽ các trường hợp được quyền gia hạn thêm thời gian giải ngân. " - TS Phan Minh Ngọc