Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều chỉnh, bố trí khoảng 12 tuyến buýt phục vụ Metro Nhổn - Ga Hà Nội

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để chuẩn bị cho tuyến đường sắt đô thị (metro) Nhổn - Ga Hà Nội đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2023, đại diện Sở GTVT Hà Nội đang hoàn thiện phương án kết nối buýt với metro Nhổn - Ga Hà Nội.

Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội (HPTC), Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị đang hoàn thiện phương án kết nối mạng lưới xe buýt với đường sắt đô thị số 3, đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian sớm nhất. Theo kế hoạch, metro Nhổn - Ga Hà Nội sẽ đưa vào hoạt động đoạn trên cao từ Nhổn - về Cầu Giấy trong nửa đầu năm 2023.

Điều chỉnh, bố trí khoảng 12 tuyến buýt phục vụ Metro Nhổn - Ga Hà Nội - Ảnh 1
Có 50 tuyến buýt được điều chỉnh lộ trình và mở mới để phục vụ metro Nhổn - Ga Hà Nội đi vào hoạt động. 

Theo HPTC, trên dọc lộ trình Nhổn - Ga Hà Nội đang có 31 tuyến buýt hoạt động và đủ điều kiện kết nối với đoạn tuyến đường sắt trên cao Nhổn - Cầu Giấy. Trong số này, có 28 tuyến trợ giá và 3 tuyến không trợ giá với nhu cầu đi lại bằng xe buýt trung bình mỗi ngày khoảng hơn 118.000 lượt hành khách.

Trong khi đó, với thiết kế tuyến đường sắt đô thị số 3, mỗi đoàn tàu có 4 toa, mỗi toa chở được 230 hành khách, mỗi chuyến chở được 920 hành khách.

Tần suất giờ cao điểm 7,5 phút/chuyến (bình quân vào giờ cao điểm có 8 chuyến/giờ/hướng vào ga đón, trả khách). Như vậy, năng lực vận chuyển của tuyến đường sắt đô thị số 3 tối đa đạt mức 7.360 hành khách/giờ/hướng.

Với hiện trạng hạ tầng xe buýt hiện nay, đại diện Trung tâm HPTC cho rằng, điểm dừng xe buýt dọc tuyến sẽ phải bố trí lại, bổ sung để thuận tiện cho việc kết nối với các ga.

Cũng theo HPTC, để đảm bảo hành khách theo công suất hoạt động của metro Nhổn - ga Hà Nội, phương án đang xây dựng cũng sẽ có thêm 12 tuyến buýt kết nối với đường sắt đô thị, trong đó có 3 tuyến được điều chỉnh (gồm tuyến 39, 96, CNG07) và 9 tuyến mở mới.

Sau khi hoàn thiện phương án kết nối xe buýt, năng lực trung chuyển, giải tỏa của xe buýt tại các điểm đầu cuối, ga dọc tuyến tăng lên, mạng lưới vận tải hành khách công cộng dọc hành lang sẽ được cải thiện.

Trong thời gian đầu khi tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động, dự báo, khoảng 15 - 20% người dân sẽ chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị số 3, chủ yếu là người dân sinh sống dọc hành lang tuyến.