“Thỏi nam châm” hút dân nội đô
Tại Công văn số 463/TTg-CN ngày 11/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu quy hoạch các khu đô thị hiện đại, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ tại khu vực: Đông Anh, Gia Lâm, Yên Viên và Long Biên, hạn chế tối đa việc xây dựng các công trình thấp tầng. Việc này nhằm giảm tải dân số trong khu vực nội đô lịch sử từ 1,26 triệu dân xuống còn 0,8 triệu dân theo Quyết định 1259/QĐ-TTg mà Thủ tướng đã ban hành năm 2011. Mới đây nhất, ngày 17/5/2019 Thủ tướng tiếp tục giao UBND TP Hà Nội thống nhất với Bộ Xây dựng báo cáo phương án điều chỉnh một phần quỹ đất trên địa bàn huyện Gia Lâm để xây dựng các khu đô thị hiện đại, công viên chuyên đề, công viên giải trí, các khu công viên cây xanh…
Chỉ đạo của Chính phủ là động lực quan trọng để khu vực phía Đông Thủ đô “cựa mình” thức giấc. Quỹ đất rộng, hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đặc biệt với “điểm nhấn” của hệ thống hạ tầng giao thông đã hoàn chỉnh bao gồm các tuyến đường huyết mạch như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, đường Đê Ngọc Thụy - Thượng Thanh Quốc lộ 5 kéo dài… và các cây cầu lớn như Nhật Tân, Đông Trù, Vĩnh Tuy... giúp việc di chuyển từ khu vực phía Đông vào trung tâm TP hay đến các tỉnh ven Hà Nội nhờ đó được rút ngắn và thuận tiện. Trong chiến lược phát triển giao thông, Hà Nội sẽ xây thêm 4 cây cầu mới tại khu vực này là cầu Tứ Liên, cầu Đuống 2, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Giang Biên. Cùng với đó những khu đô thị, khu công nghiệp và trung tâm mua sắm, khu vui chơi, công viên công cộng… đã và đang hiện hữu tại khu vực huyện Gia Lâm như đại đô thị VinCity Ocean Park, công viên Vinpearl Land và công viên công cộng TP… được ví như những thỏi “nam châm” thu hút dân cư từ vùng đô thị lõi chuyển sang các khu vực Long Biên, Yên Viên, Gia Lâm, Đông Anh sinh sống.
Điều chỉnh để phát triển
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ cũng như TP về việc điều chỉnh quy hoạch, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, hiện nay huyện đang phối hợp với Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội triển khai lập điều chỉnh các quy hoạch phân khu đô thị N9, N10, N11. Đồng thời tập trung thực hiện phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch đối với các đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 khu trung tâm 7 xã Yên Thường, Yên Viên, Đình Xuyên, Dương Hà, Phù Đổng, Đông Dư, Đa Tốn.
Liên quan đến vấn đề này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cho biết, việc phát triển đô thị Hà Nội sang khu phía Đông Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Gia Lâm, quận Long Biên đều đã được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998 và 2011. Đến năm 2003, quận Long Biên được thành lập từ việc tách một phần của huyện Gia Lâm. Đây là bước đột phá đầu tiên trong lịch sử phát triển Hà Nội khi nội đô vượt sông Hồng sang phía Đông. Đặc biệt, trong bản quy hoạch năm 2011 khẳng định khu vực phía Bắc còn trở thành trung tâm mới của Thủ đô. Với định hướng phát triển này, khu vực huyện Đông Anh đã được quy hoạch xây dựng các công trình có tầm cỡ quốc gia như Trung tâm hội chợ triển lãm, Công viên Kim Quy, nâng tầm khu di tích Cổ Loa… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các dự án từ năm 2011 đến nay vấp phải những khó khăn do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trước thực tế này, rõ ràng đòi hỏi cần phải điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với giai đoạn phát triển mới.
Cùng với kế hoạch phát triển các đô thị nhằm giãn mật độ dân số đang tăng cao ở khu vực trung tâm, Hà Nội cũng đang đẩy nhanh tỷ lệ đô thị hóa. Những khu vực còn dư địa và tiềm năng để phát triển như Long Biên, Gia Lâm và Đông Anh đều là những khu vực phù hợp với định hướng phát triển đó. Các chuyên gia quy hoạch kỳ vọng, khi được tập trung đầu tư phát triển về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, dịch vụ, 3 địa điểm “vàng” trên chắc chắn sẽ trở thành trung tâm mới của Thủ đô trong tương lai gần.