Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều chỉnh lịch học để phù hợp thực tế

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, TP về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020. Theo đánh giá của nhiều địa phương, việc điều chỉnh này là cần thiết để phù hợp với tình hình thực tế khi cả nước đang ứng phó với dịch Covid-19.

 Những cuốn sách đã nằm quá lâu trên giá. Ảnh: Bảo Trọng

Phải có kịch bản khác nhau

Gần một tháng nhìn thấy cậu con trai quanh đi quẩn lại chiếc bàn học rồi nằm thượt trên sô pha với những biểu hiện mệt mỏi, chán chường, chị Nguyễn Thu Nga (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) bắt đầu lo lắng. Theo chị Nga, nếu học sinh cứ tiếp tục nghỉ dài như thế này, rất nhiều nguy cơ sẽ xảy đến. Chị Nga cho biết, do nghỉ học quá lâu ở nhà, lớp học ảo lại không đáp ứng đủ các điều kiện về kỷ luật hay nội dung giáo trình dẫn đến việc học sinh không thật sự hứng thú, thậm chí nhàm chán.
Cũng là những nỗi lo lỡ việc học của con, anh Trần Minh Quang (ở quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho rằng, việc lùi kết thúc năm học có thể dẫn tới việc học sinh lỡ các kỳ du học do “vênh” với các quốc gia khác. “Rất có thể con tôi có nguy cơ ngồi nhà cả năm để chờ đợi kỳ tuyển sinh sau” - anh Quang chia sẻ.
Và, một nguy cơ còn tệ hơn khi với phân tích của anh Trần Vinh Dự (ở TP Hồ Chí Minh có con đang học tiểu học), có thể “mất trắng” cả năm học nếu Bộ GD&ĐT tiếp tục ứng phó chậm chạp. Theo anh Dự, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam tại thời điểm hiện tại có thể nói không nghiêm trọng, sau nhiều ngày không ghi nhận người nhiễm mới. Từ đây, có thể nhận định dịch bệnh với các kịch bản: Tình hình có thể tốt lên (hết hoàn toàn dịch); như cũ (còn vài trường hợp); xấu đi đáng kể (phát hiện thêm nhiều ca nhiễm mới nhưng không đến mức hàng trăm, hàng ngàn); rất xấu (ca mắc hàng loạt như Hàn Quốc, Nhật Bản) và cực kỳ xấu (như ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc).
Với phân tích này, anh Dự đặt câu hỏi: “Ngành giáo dục có nhiều lựa chọn để có thể có nhiều kịch bản ứng phó trong từng trường hợp như trên không?”. Học kỳ 2 của năm học này đã mất đi một tháng (tháng 2), cố lắm có thể mất thêm một tháng nữa (tháng 3). Nếu nghỉ cả tháng 4, coi như việc thi cử chuyển cấp hoặc tốt nghiệp phổ thông sẽ vỡ trận vì không thể tổ chức học và thi kịp trước khi khai giảng năm học mới.
Theo phân tích của các chuyên gia giáo dục, rõ ràng, Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ -TB&XH chưa xây dựng tốt phương án đối phó cho các kịch bản khác nhau. Nếu sau tháng 3, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến như hiện nay; hoặc, nếu tốt hơn, rõ ràng việc nghỉ trong tháng 3 là thừa. Còn tình huống sau tháng 3, tình hình dịch bệnh diễn biến xấu hơn thì 2 Bộ nói trên không còn “dư địa” để cho học sinh nghỉ tiếp trong tháng 4 hoặc kéo dài sau tháng 4 trừ khi chấp nhận bỏ luôn cả năm học.

Dùng khoảng “đệm” để ứng biến

Tối muộn 22/2, Bộ GD&ĐT phát đi thông báo điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó, sẽ kết thúc năm học trước ngày 30/6; xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 15/7; hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 15/8 và thi THPT quốc gia từ ngày 23/7 đến ngày 26/7. Với các mốc thời gian này, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục năm học.
Như vậy, sau nhiều ngày mong ngóng, cơ quan cao nhất trong ngành giáo dục đã chính thức có các điều chỉnh. Tuy thế, điều chỉnh này có lẽ xuất hiện sau cuộc họp chiều 22/2. Khi ấy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) để bàn việc đưa học sinh, sinh viên trở lại lớp học.
Tại cuộc họp, báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy, thời gian nghỉ học của học sinh đã gần một tháng, việc quyết định nghỉ học tiếp hay đi học lại thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ GD&ĐT và với hệ thống giáo dục nghề nghiệp, trách nhiệm là của Bộ LĐ - TB&XH.
Ngay tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu 2 Bộ nói trên theo thẩm quyền, sớm có quyết định chính thức về việc điều chỉnh kế hoạch, thời gian năm học 2019 - 2020. Trong trường hợp 2 Bộ GD&ĐT, LĐ - TB&XH không quyết định thì Thủ tướng sẽ quyết định.
Ít ngày trước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã thông tin sẽ điều chỉnh lùi kết thúc năm học. Tuy nhiên, nhiều ngày trôi qua, Bộ GD&ĐT không hề có bất cứ thông tin chính thức nào. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho hay, trong trường hợp học sinh tiếp tục được nghỉ, Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn các địa phương phương án dạy bù. Theo phân tích của ông Thành, chương trình đào tạo của Bộ GD&ĐT luôn có khoảng thời gian “đệm” để ứng biến. Ví dụ thời gian học của Bộ là 37 tuần, trong khi đó chương trình học được thiết kế 35 tuần. Như vậy, các địa phương có thể dùng khoảng “đệm” này để ứng biến.
Trong khi Bộ GD&ĐT phản ứng trước dịch Covid-19 bằng các chính sách kiểu “chung chung”, các địa phương thì bị động thời gian, bởi họ có quyền điều chỉnh nhưng chỉ trong ngưỡng mà Bộ GD&ĐT ban hành. Cứ vậy, thời gian trôi đi trong sự lo lắng, bị động của hàng chục triệu học sinh trên cả nước, hay trong thấp thỏm lo âu của các bậc phụ huynh và thầy, cô giáo.
Không hiểu, giả thiết không có sự quyết liệt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi nói rằng hai Bộ GD&ĐT và LĐ - TB&XH không quyết được thì để Thủ tướng quyết, học sinh sẽ còn nghỉ dài đến bao giờ?