Còn theo các chuyên gia, việc xây dựng các con số “cứng” về mức chịu thuế cũng như giảm trừ gia cảnh cũng sẽ khiến các quy định không tránh khỏi việc “chạy đuổi” theo thực tế cuộc sống, trong khi, các chỉ số kinh tế thay đổi liên tục.
CPI chưa đến mức phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh?Theo văn bản của Tổng cục Thuế, tại Luật số 26/2012/QH13 ngày 22/11/2012 của Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 có hiệu lực từ 1/7/2013, quy định, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Đồng thời, Luật quy định trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo. “Trong quá trình tổ chức thực hiện công tác quản lý thuế TNCN, Tổng cục Thuế đã thường xuyên cập nhật chỉ số giá tiêu dùng theo các công bố của Tổng cục Thống kê để đảm bảo quản lý thuế theo đúng quy định của Luật” – văn bản của cơ quan thuế cho hay.
Thuế TNCN tính theo bậc với mức chịu thuế cao nhất 35% là rất cao, khoảng cách điều chỉnh bậc thuế cũng dày khiến chỉ cần thu nhập nhích một chút là lên bậc thuế cao hơn, tiền thuế tăng có khi còn nhiều hơn tiền được nhận thêm. Do đó, đã đến lúc phải điều tiết thuế TNCN tương đương với điều tiết thuế thu nhập DN.Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc |
Phía Tổng cục Thuế cũng khẳng định, chỉ số CPI đến hết 6 tháng đầu năm 2019 so với 1/7/2013 tăng 18,17%, chưa đến mức biến động (20%) phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo quy định của Luật Thuế TNCN. Cụ thể, CPI cả nước ở thời điểm tháng 1/7/2013 (thời điểm Luật Thuế TNCN sửa đổi năm 2012 có hiệu lực) là 100% thì năm 2014 là 104,82%; năm 2015 là 105,49%; năm 2016 là 108,29%; năm 2017 là 112,11%; năm 2018 là 116,07%; 6 tháng đầu năm 2019 là 118,17%. "Theo chỉ đạo điều hành của Chính phủ, dự kiến mức tăng CPI năm 2019 khoảng dưới 4%, dẫn đến chỉ số CPI có thể vượt trên 20% so với thời điểm Luật số 26/2012/QH13 có hiệu lực” – Văn bản Tổng cục Thuế khẳng định.
Hiện nay, Tổng cục Thuế đang phối hợp với đơn vị có thẩm quyền của Bộ Tài chính để nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo đúng quy định của Luật Thuế TNCN cùng với việc rà soát đánh giá tổng kết toàn diện chính sách thuế TNCN để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét quyết định.
Thuế thu nhập cá nhân quá lạc hậu, lỗi thờiTheo các chuyên gia, việc sửa đổi nâng mức giảm trừ gia cảnh cũng như mức chịu thuế chưa giải quyết được hết vấn đề, chưa hạn chế được tình trạng Luật bị lạc hậu so với thực tế cuộc sống. Trong khi lạm phát, CPI tính theo từng tháng, từng năm thì ngưỡng chịu thuế lại được ấn định trong nhiều năm, dẫn tới hệ quả là thu nhập thực tế mà người nộp thuế được hưởng ngày càng giảm dần. Về mặt nguyên tắc, thu nhập chịu thuế phải có sự biến thiên theo hướng tỷ lệ thuận với mức độ lạm phát, nhưng sự lạc hậu của Luật Thuế TNCN là đang đưa ra một “chốt cứng”, dẫn tới thu nhập thực tế bị nghịch đảo với lạm phát. Ngoài ra, theo luật sư Hà Huy Phong - Công ty Luật Inteco, hiện cách tính thuế TNCN vẫn chủ yếu căn cứ vào mức thu mà không tính toán đến mức chi của cá nhân người nộp thuế lẫn người phụ thuộc. Điều này dẫn đến không xây dựng cơ chế hạch toán chi phí đầu vào cho cá nhân khi kê khai và quyết toán thuế TNCN. Cơ chế hạch toán một chiều như vậy, vô tình đẩy cá nhân vào nhiều hoạt động gian lận thuế, giúp các cơ sở kinh doanh khác trốn thuế (không lấy hóa đơn VAT…).
Về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế TNCN (Tổng cục Thuế) Tạ Thị Phương Lan cho rằng, với các nước kiểm soát được mức thu nhập của mọi người dân, việc giảm trừ gia cảnh được thực hiện theo hóa đơn, chứng từ thực tế cho toàn bộ chi phí học hành của con, chăm sóc, khám điều trị chữa bệnh... Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa kiểm soát được toàn bộ thu nhập cũng như chi tiêu của dân cư nên buộc phải sử dụng công cụ là mức giảm trừ gia cảnh. Do vậy, khi có biến động giá và một số chỉ tiêu khác đến ngưỡng theo quy định thì cơ quan quản lý sẽ tính toán nâng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp.