Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội: Nghiên cứu khai thác sông Hồng làm trục xanh trung tâm

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 11/10, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và định hướng Nhiệm vụ quy hoạch Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với định hướng phát triển đô thị TP Hà Nội”. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn chủ trì Hội thảo cùng với sự tham gia của các đại biểu đại diện cơ quan Trung ương, TP Hà Nội và các nhà khoa học. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu UBND TP và trực tuyến đến 58 điểm cầu các sở, ban ngành, quận huyện, thị xã của TP.

Khối lượng công việc lớn
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (gọi tắt là QHC 1259), đến nay đã thực hiện được gần 10 năm.

Quá trình triển khai cụ thể hoá QHC 1259 được duyệt đã đạt kết quả nhất định, tuy nhiên bên cạnh đó cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc.

 Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn phát biểu tại buổi Hội thảo.
Trên cơ sở báo cáo của UBND TP Hà Nội và ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ có chấp thuận chủ trương giao nhiệm vụ UBND TP tổ chức lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với ba nhiệm vụ cơ bản: Rà soát, đánh giá điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nhiệm vụ Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đây là khối lượng công việc đồ sộ, thời gian triển khai ngắn, quy trình thủ tục lớn trong khi đó việc triển khai thực hiện QHC 1259 hiện chưa hoàn thành (đạt 96%), còn tồn đọng các đồ án quy hoạch cấp dưới (quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống,…). Mặt khác, TP đang đồng thời triển khai lập Quy hoạch TP theo Luật Quy hoạch, hiện đang ở giai đoạn lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch,

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 25/5/2021 về triển khai công tác lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Được TP giao nhiệm vụ, thời gian qua, Sở QH - KT chủ trì, phối hợp cùng Viện Quy hoạch xây dựng và các sở ngành, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai lập hồ sơ Báo cáo rà soát, đánh giá QHC 1259 và định hướng Nhiệm vụ quy hoạch Điều chỉnh tổng thể QHC 1259 gắn với định hướng phát triển đô thị TP Hà Nội theo quy định.

Trên cơ sở đó, UBND TP tổ chức Hội thảo khoa học nhằm lấy ý kiến phản biện, góp ý của Bộ ngành, địa phương, các hội nghề nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học cho các báo cáo này. Qua đó, các đơn vị thực hiện sẽ tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện, xây dựng báo cáo rà soát, kiến nghị, đề xuất những định hướng cần quan tâm giải quyết trong quá trình triển khai Điều chỉnh tổng thể QHC 1259 trong thời gian sắp tới.

Báo cáo tóm tắt về rà soát, đánh giá quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, mục tiêu việc rà soát, đánh giá tình hình 10 năm thực hiện QHC 1259 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là để rút ra bài học cần thiết làm cơ sở cho việc định hướng Điều chỉnh tổng thể QHC 1259.

Một số nội dung của QHC 1259 đã được Sở QH - KT Hà Nội sơ bộ rà soát, đánh giá gồm: Liên kết vùng; Tầm nhìn, mục tiêu và quan điểm điều chỉnh quy hoạch; Định hướng phát triển không gian; Quy hoạch sử dụng đất trong xây dựng; Quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội; Định hướng bảo tồn di sản; Hạ tầng kỹ thuật; Quy hoạch không gian ngầm khu vực đô thị trung tâm; Quy hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ;

Quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị, các điểm TOD tích hợp với sử dụng đất, giao thông công cộng khác cho ku vực đô thị trung tâm; Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều trên địa bàn TP; Quy hoạch các vùng sinh thái cảnh quan đặc thù; Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất lúa và an ninh lương thực; Quy hoạch hệ thống thủy lợi, tưới tiêu; Quy hoạch các khu chức năng.

 Toàn cảnh Hội thảo tại điểm cầu UBND TP Hà Nội.

Báo cáo định hướng Nhiệm vụ quy hoạch Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô gắn với định hướng phát triển đô thị TP Hà Nội, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết: Trên cơ sở các nội dung rà soát, đánh giá của Sở QH - KT, có 8 vấn đề cần giải quyết tại định hướng nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Trong đó, các vấn đề cần giải quyết đó là: Hạn chế tăng dân số tại khu vực nội đô. Trong đó, khu vực nội đô lịch sử tiếp tục kiên định với chủ trương giảm dân số; khu vực nội đô mở rộng không tăng thêm dân số; bổ sung dân số cho khu vực Bắc sông Hồng và đông Vành đai 4 để khai thác, sử dụng đất được hiệu quả hơn. Nghiên cứu khả năng phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” tại khu vực phía Bắc (gồm các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); phía Tây (thành phố mới Hòa Lạc) và một số “thị xã trong thành phố”.

Các thị xã mới dựa trên cấu trúc đô thị của QHC 1259 được xác định bởi hạt nhân là các đô thị vệ tinh như Xuân Mai (đô thị loại II), Phú Xuyên (đô thị loại III). Nghiên cứu khả năng khai thác trục sông Hồng làm trục xanh trung tâm, theo hướng phát triển cân đối không gian hai bên sông Hồng và nghiên cứu khả năng phát triển khu vực phía bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, đồng bộ. Rà soát hoàn chỉnh mô hình và lộ trình phát triển các đô thị vệ tinh để có kế hoạch tập trung nguồn lực đầu tư theo thứ tự ưu tiên. Nghiên cứu điều chỉnh kết cấu đồng bộ hạ tầng giao thông đô thị, nghiên cứu khả năng bố trí sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô đặt tại Hà Nội...

Cần huy động trí tuệ, nguồn lực của toàn thể Nhân dân

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực quy hoạch đô thị đã có những đóng góp xác đáng, tâm huyết vào các bản báo cáo. Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho hay, là đô thị đặc biệt, lại là Thủ đô của cả nước nên Hà Nội cần phải có cách làm khác. Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam hiện đạt trên 40%, cao nhất Đông Nam Á nhưng việc thực hiện nhiệm vụ quy hoạch cả nước chưa đạt yêu cầu. Chất lượng đô thị, chất lượng quy hoạch đô thị chưa tốt, nhất là vấn đề dự báo phát triển kinh tế - xã hội. Vẫn còn sự chồng chéo trong công tác quy hoạch giữa các ngành, các cấp…

Giải pháp trong tương lai phải rà soát, đánh giá công việc cụ thể đối với những việc đã làm trong 10 năm qua, và có dự báo chiến lược. Trong khi chúng ta đang gặp khó khăn trong triển khai Luật Quy hoạch, hiện chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng thì việc triển khai quy hoạch tỉnh làm như thế nào là vấn đề thách thức đối với các địa phương trong giai đoạn này.

Giải pháp đối với Hà Nội là ngoài định hướng, chương trình mục tiêu, TP cần có một tư vấn tốt. Do đó, Hà Nội nên tổ chức thi, có lựa chọn tư vấn nước ngoài để cùng các sở, ngành TP xây dựng ý tưởng quy hoạch, khai thác triệt để về tài nguyên, thiên nhiên, con người, xây dựng Thủ đô xứng tầm là niềm kiêu hãnh của cả nước.

 Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính phát biểu góp ý tại hội thảo..

Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm, việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô vấn đề lớn, nên sau Hội thảo khung hôm nay, TP cần giao cho các đơn vị có liên quan tổ chức các hội thảo riêng để làm rõ cụ thể từng vấn đề cụ thể. Đối với các báo cáo, cần nêu rõ việc cần thiết phải tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung. Điều chỉnh định kỳ cần phải gắn với các điều chỉnh cục bộ.

Vị chuyên gia cho rằng, việc TP triển khai thực hiện song song hai nhiệm vụ: Vừa tổ chức lập quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng là quyết sách rất sáng tạo của Thành ủy, UBND TP do đó cần tổ chức triển khai quyết liệt. Đặc biệt, trong lần điều chỉnh quy hoạch lần này cần chú ý đến việc điều chỉnh gia tăng dân số; quy hoạch phòng chống lũ; nâng cao chất lượng quy hoạch; có lộ trình huy động trí tuệ, nguồn lực của toàn thể Nhân dân. Đồng ý với các mục tiêu mà Nhiệm vụ quy hoạch đề ra, tuy nhiên nên thận trọng trong việc nghiên cứu mô hình “Thành phố trong thành phố”.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn đánh giá, qua các báo cáo của Sở QH - KT và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội còn có những vấn đề quan trọng chưa được đề cập như: Phân tích về diện tích đất đô thị và quy mô dân số. Do đó, rất cần có đánh giá tổng hợp về các lĩnh vực để tạo sự đồng bộ trong việc sử dụng đất đô thị thời gian tới.

Đánh giá về QHC 1259, ông Tô Anh Tuấn cho rằng, về cơ bản là quy hoạch có ý tưởng tốt với mô hình không gian phát triển phù hợp là một đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn sinh thái... Trong việc điều chỉnh quy hoạch tới đây nên duy trì mô hình này. Tuy nhiên, QHC 1259 chưa khả thi trong triển khai thực tế do dự báo về phát triển kinh tế - xã hội quá lạc quan. Do đó, việc điều chỉnh quy hoạch tới đây cần tập trung vào việc dự báo phát triển kinh tế - xã hội làm nền tảng cho phát triển đô thị.

Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc (Bộ Xây dựng) Trần Thu Hằng nêu, với hai báo cáo của Sở QH – KT và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cần cô đọng hơn. Cần làm rõ hơn về căn cứ và sự cần thiết về việc Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đối với việc đánh giá thực tiễn triển khai QHC 1259, cần xoáy vào các vấn đề trọng tâm như: dân số, hạ tầng, đất đai, phát triển đô thị gắn với nông thôn…

Có đánh giá tổng quan để kịp xây dựng Nhiệm vụ quy hoạch. Đặc biệt, cần đánh giá các dự án đầu tư xây dựng đã triển khai theo QHC 1259 để thấy được những vấn đề còn tồn tại để đưa ra định hướng mới. Động lực phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế đô thị của QHC 1259 cũng cần được làm rõ hơn. Trong Nhiệm vụ quy hoạch nên đưa ra vấn đề đặc thù của Thủ đô như hệ thống sông ngòi, không gian xanh, hệ thống di sản, các công trình giao thông đầu mối, vấn đề về phát triển nông thôn… Cuối cùng là TP cần phải chốt được những vấn đề trọng tâm xin ý kiến Bộ Chính trị về việc điều chỉnh tổng thể đồ án lần này.

 Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm trình bày tham luận tại hội thảo.

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, các ý kiến tham luận tại Hội thảo về cơ bản đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân (cả khách quan và chủ quan) trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt, tập trung vào các nhóm vấn đề: Về định hướng quy hoạch cấp quốc gia và kết nối vùng gắn với Quy hoạch TP và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Về các vấn đề cần giải quyết trong mối quan hệ giữa Quy hoạch chung xây Thủ đô và vùng Thủ đô; Về kiểm soát dân số, phân bổ dân số; Về định hướng quy hoạch phát triển đô thị và quản lý kiến trúc; về định hướng quy hoạch hạ tầng đô thị;… Đồng thời, các ý kiến tham luận đã định hướng được những nội dung cần nghiên cứu trong quá trình triển khai Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND TP ghi nhận, tiếp thu toàn bộ ý kiến đóng góp trực tiếp cũng như góp ý bằng văn bản của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, hội nghề nghiệp. Đồng thời cho biết, đây là hội thảo cấp TP mang tính chất khung, khởi động, sau này sẽ có thêm nhiều hội thảo, tọa đàm chuyên sâu với mong muốn nhận được tư vấn, góp ý cho việc triển khai Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở QH - KT, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tiếp thu, hoàn chỉnh, báo cáo các cấp; triển khai thực hiện việc tổ chức lập nhiệm vụ và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội theo quy định. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành; các chuyên gia, nhà khoa học, hội nghề nghiệp tiếp tục tham góp, phản biện, tạo điều kiện để việc Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đạt được chất lượng, hiệu quả, sớm hoàn thành đưa vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển Thủ đô.