Điều hành giá năm 2023: Vẫn nhiều thách thức

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh thế giới còn nhiều biến động khó lường, đặt ra thách thức lớn cho công tác quản lý, điều hành giá năm 2023. Yêu cầu công tác điều hành giá phải nhanh nhạy, linh hoạt, đo được phản ứng của dư luận… để đưa ra các giải pháp điều hành giá chính xác, hiệu quả.

Thách thức đặt ra lớn

CPI của Việt Nam bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với năm 2021. Đây là mức tăng cao hơn của bình quân các năm 2015, 2016, 2019, 2021 nhưng thấp hơn khá nhiều so với mức tăng CPI bình quân của các năm còn lại trong giai đoạn 2008 - 2022. Trong bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều biến động khó lường, đặt ra thách thức lớn cho công tác quản lý, điều hành giá năm 2023.

Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Minh Tiến phân tích, kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại, lạm phát cao tiếp tục kéo dài và khả năng suy thoái kinh tế ngày càng rõ nét hơn, làm gia tăng rủi ro bất ổn về chính trị, xã hội tại một số quốc gia. Cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước trên thế giới vẫn đang diễn ra căng thẳng.

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị trên địa bàn quận Cầu Giấy. Ảnh: Công Hùng
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị trên địa bàn quận Cầu Giấy. Ảnh: Công Hùng

Trong khi đó, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, rủi ro về tỷ giá. Cùng với đó là áp lực từ việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện trong thời gian qua cũng sẽ đặt ra các thách thức cho công tác quản lý, điều hành giá ngay từ đầu năm. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế cũng sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá cả.

Chỉ ra những thách thức trong công tác điều hành giá, Trưởng phòng Nghiên cứu giá cả và thị trường (Viện Kinh tế Tài chính) Phạm Minh Thụy cho biết, năm 2023, giá cả thị trường Việt Nam tiếp tục biến động và gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn vào biến động của giá nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới. Tình hình kinh tế thế giới có thể có những bất ổn, khó lường (thương mại toàn cầu suy giảm trong những tháng đầu năm 2023; căng thẳng địa chính trị, tranh chấp, trừng phạt nhau giữa các quốc gia...) làm cho đơn đặt hàng giảm, doanh nghiệp phải cắt giảm lao động; giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thị trường thế giới biến động theo chiều hướng xấu. Những biến động này sẽ ảnh hưởng ngay tới thị trường, giá cả ở Việt Nam.

Trong nước, việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi trong thời gian qua. Một số chính sách hỗ trợ về thuế sẽ hết hiệu lực từ đầu năm 2023. Áp lực tăng giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm sau khi điều chỉnh tăng giá một số loại hàng hóa, dịch vụ quan trọng như: Tăng mức lương cơ sở thêm 20,8% từ ngày 1/7/2023; tăng giá điện (giá điện bình quân được tăng từ ngày 20/3/2019 và ổn định cho tới nay). Trên cơ sở đó, dự báo CPI của Việt Nam bình quân năm 2023 so với năm 2022 sẽ ở mức 103,5 – 104,0.

Phản ứng nhanh, linh động trong điều hành

Đưa ra giải pháp điều hành giá trong năm tới, Cục trưởng Cục Quản lý giá  (Bộ Tài chính) Nguyễn Minh Tiến cho rằng cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 4,5% do Quốc hội đề ra.

Trước tiên cần thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, bảo đảm tính chủ động, hiệu quả, phối hợp với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Kiểm soát lạm phát cơ bản và tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung. Rà soát việc áp dụng các chính sách tài khóa, đặc biệt là với các chính sách sắp hết hiệu lực, nghiên cứu các phương án gia hạn, điều chỉnh kết thúc các chính sách vào thời điểm thuận lợi để hạn chế bớt tác động tiêu cực tới lạm phát năm 2023.

Đối với mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc tính toán, chuẩn bị phương án giá để triển khai điều chỉnh vào thời điểm phù hợp với quy định và bối cảnh chung.

Đối với những mặt hàng cụ thể, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp.

Còn theo ông Phạm Minh Thụy, cần phải sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Cùng với đó, cần thông tin kịp thời, minh bạch về điều hành giá của Chính phủ, diễn biến giá các vật tư quan trọng, mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng ngay từ thời điểm đầu năm khi CPI dự kiến tăng cao.