KTĐT - Các nỗ lực xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu không thể thành công nếu cộng đồng quốc tế không giải quyết được nạn thất nghiệp và đảm bảo cho thanh niên cuộc sống bền vững.
Các chính phủ phải hành động khẩn cấp để thực hiện đầy đủ và nghiêm túc "Chương trình hành động thế giới vì thanh niên trong Năm Quốc tế Thanh niên (8/2010-8/2011)" và cần đưa vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên trở thành một trong các vấn đề trọng tâm của chiến lược xoá đói nghèo quốc gia.
Tại Kỳ họp thứ 49 của Ủy ban Phát triển xã hội Liên hợp quốc khai mạc ngày 10/2, Liên hợp quốc đã khẳng định như vậy và cho biết gần 80 triệu thanh niên độ tuổi từ 15-24, chiếm 12,6% nhóm thanh niên độ tuổi này trên toàn cầu, bị thất nghiệp trong năm 2010.
Các nhận định tại kỳ họp cho biết các chính sách "thắt lưng buộc bụng" đang được ngày càng nhiều nước thực hiện sau khủng hoảng đã làm trầm trọng hơn nạn thất nghiệp trong thanh niên vì nguồn lực tài chính sống còn dành cho các chương trình cải thiện đời sống của cộng đồng dân cư nghèo đói nhất bị cắt giảm.
Theo Liên hợp quốc, mục tiêu giảm đói nghèo chỉ có thể thành công thông qua các chính sách bình đẳng và bao quát, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương nhất như thanh niên, người già, người tàn tật…
Tiếp cận giáo dục có chất lượng cũng là nhân tố quyết định để tận dụng các cơ hội vượt qua đói nghèo nhưng những cộng đồng này đang phải đối mặt với những cản trở lớn để được tiếp cận.
Hầu hết các nước bị tác động của đói nghèo đều không thể đáp ứng mục tiêu phát triển thiên niên kỷ thứ hai về giáo dục. Nếu không hành động khẩn cấp, vào năm 2015, khoảng 52 triệu trẻ em vẫn không được đến trường và 759 triệu người trưởng thành trên thế giới mù chữ, trong đó 2/3 là phụ nữ.
Chủ tịch Ủy ban Phát triển xã hội Liên hợp quốc Jorge Valero nhấn mạnh mô hình phát triển kinh tế xã hội hiện nay có những thiếu sót khiến nghèo đói, thất nghiệp và mất ổn định vẫn tiếp tục gia tăng mặc dù nền kinh tế vẫn tăng trưởng. Cộng đồng quốc tế cần mô hình phát triển mang tính nhân văn hơn dựa trên bình đẳng và công lý xã hội, phù hợp với nhu cầu của mỗi nước.
Đại diện các nước thành viên Liên hợp quốc đã phát biểu nêu bật tầm quan trọng của các trọng tâm trong chiến lược quốc gia xóa đói giảm nghèo, bao gồm các chương trình tạo việc làm, tăng cường lợi ích cho người già và người tàn tật, đẩy mạnh quyền tiếp cận các dịch vụ công, đặc biệt đối với thanh niên, phụ nữ và người nghèo./.