Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán 19/5

DIG gây bất ngờ sau bán tháo, khối ngoại chi nghìn tỷ mua STG

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Điểm nhấn của phiên hôm nay là diễn biến của nhóm dầu khí, thanh khoản tăng vọt tại VND, DIG được giải cứu và giao dịch “khủng” tại STG.

Cổ phiếu dầu khí tỏa sáng

Phần lớn thời gian của phiên giao dịch cuối tuần VN-Index chìm trong sắc đỏ, khi những trụ lớn nâng đỡ chiều quay quay đầu trả điểm cho phiên đáo hạn phái sinh trước đó. VCB giảm 0,84%, VHM giảm 1,64%, VIC giảm 1,32% là bộ ba khiến chỉ số này mất tới 2,6 điểm. Kết thúc phiên giao dịch, VHM giảm còn 54.100 đồng/cổ phiếu. Nhóm giảm trên 1% còn có SAB, BVH, MSN.

Hôm nay, khối ngoại chi 1.300 tỷ mua 25% cổ phần STG
Hôm nay, khối ngoại chi 1.300 tỷ mua 25% cổ phần STG

Thanh khoản hôm nay có đóng góp lớn của VND. Cổ phiếu này gây chú ý với giao dịch gần 1.158 tỷ đồng tương ứng 72,1 triệu đơn vị. Đây là mức thanh khoản kỷ lục ở mã này, giá VND cũng tăng mạnh 3,87%. Giao dịch này mang tính thời điểm và chỉ riêng với VND, trong khi phần còn lại của thị trường thanh khoản bình thường. Thanh khoản ở rổ VN30 thực tế còn giảm 20% so với hôm qua.

Dòng tiền trở lại với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Điển hình là cổ phiếu DIG gây bất ngờ trong phiên hôm qua bởi pha bán tháo ồ ạt cuối phiên khiến mã này đóng cửa nằm sàn với thanh khoản đột biến. Đóng cửa, DIG tăng mạnh gần 6% lên 20.500 đồng/cổ phiếu, giá trị giao dịch cao thứ 3 toàn sàn, hơn 629 tỷ đồng. Ở phiên giao dịch trước, DIG giảm sàn sau khi xuất hiện thông tin Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu vi phạm quy hoạch về diện tích nhà ở xã hội. Doanh nghiệp đã liên tiếng giải trình. DIG cho biết, đã thuê đơn vị tư vấn lập đồ án điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với các quy định pháp luật mới hiện hành, trong đó có việc bố trí đủ 20% quỹ đất nhà ở xã hội.

Doanh nghiệp dầu khí đón “tín hiệu sáng” từ Quy hoạch điện VIII. Bên cạnh định hướng quan trọng của quy hoạch điện VIII liên quan đến phát triển nguồn điện khí, Công ty Chứng khoán Vietcap (VCSC) kỳ vọng, Luật Dầu khí sửa đổi của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/07/2023 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thăm dò và khai thác tại Việt Nam. Trên sàn chứng khoán, Quy hoạch điện VIII được phê duyệt không những trở thành chất xúc tác cho nhóm cổ phiếu điện, mà còn tạo hiệu ứng lan toả tới các cổ phiếu dầu khí. Cổ phiếu dầu khí phiên này khá ấn tượng khi GAS nổi lên là mã dẫn dắt điểm số, tăng 2,04%. Ngoài ra PVD tăng 4,69%, PVC tăng 5,42%, PVB tăng 3,75%, PVS tăng 6,39%...

Trong báo cáo mới đây về ngành dầu khí, Công ty Chứng khoán KIS đã đánh giá khả quan đối với triển vọng ngành dầu khí do ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái hơn so với các ngành khác. Đồng thời, kỳ vọng đến từ tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn 2023 - 2025 của các công ty thượng nguồn và triển vọng dài hạn vững chắc nhờ các dự án tiềm năng.

KIS kỳ vọng, giá dầu Brent sẽ đi ngang trong năm 2023 vì có sự cân bằng giữa cung và cầu, cùng với việc áp giá trần để kiềm chế giá dầu. G7 và EU đã thông qua mức giá trần 60 USD/thùng cho dầu thô của Nga và có thể điều chỉnh được. Áp trần giá đã được thiết lập để hạ nhiệt giá dầu toàn cầu trong khi vẫn giữ cho thị trường nguồn cung toàn cầu ổn định.

Khối ngoại chi 1.300 tỷ mua 25% cổ phần STG

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 1,24 điểm (0,12%) xuống 1.067,07 điểm. HNX-Index tăng 0,9 điểm (0,42%) lên 213,91 điểm. UPCoM-Index tăng 0,17 điểm (0,21%) lên 81,08 điểm. Thanh khoản nhích nhẹ, giá trị khớp lệnh trên HoSE lên hơn 11.000 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng hơn 1.000 tỷ đồng, do giao dịch đột biến tại STG.

Phiên 19/5, gần 24.5 triệu cp, tương ứng gần 25% vốn của CTCP Kho vận Miền Nam (STG) được khối ngoại mua vào theo hình thức thỏa thuận, với tổng giá trị lên đến gần 1,300 tỷ đồng, tương đương giá bình quân 52,520 đồng/cp.

Theo dữ liệu thống kê, có hai lênh mua thỏa thuận với khối lượng lần lượt là hơn 10.8 và gần 13.7 triệu cp STG tại cùng mức giá 52,500 đồng/cp. Với khối lượng mua này, danh tính hai cổ đông lớn nước ngoài này chắc chắn sẽ được công bố trong thời gian tới theo quy định.

Trong khi đó, bên bán nhiều khả năng là CTCP Giao nhận và Vận chuyển INDO TRẦN (ITL), công ty mẹ của STG. Trước đó, từ ngày 19/5-16/6/2023, ITL đăng ký bán gần 29.5 triệu cp STG. Nếu thành công, tỷ lệ sở hữu của ITL tại STG sẽ giảm từ 98.9% xuống còn 68.9%, tương đương hơn 67.7 triệu cp.

Trước đó, từ ngày 6/4-4/5, ITL đã mua gần 2.15 triệu cp STG trên tổng số gần 3.2 triệu cp đăng ký, với giá mua trung bình 52,849 đồng/cp. Ước tính, số tiền doanh nghiệp này đã bỏ ra khoảng 114 tỷ đồng. Kết thúc giao dịch, ITL nắm giữ hơn 97.2 triệu cp STG, tương đương 98.931% vốn. Lượng cổ phiếu không mua hết thuộc sở hữu của cổ đông nhỏ lẻ, đã không bán hoặc bán với giá cao, không phù hợp nên công ty chưa thể mua hết số lượng đăng ký.

Về kết quả kinh doanh quý 1/2023, STG báo doanh thu thuần hơn 385 tỷ đồng, lãi ròng gần 40 tỷ đồng, giảm lần lượt 48% và 36% so với cùng kỳ. Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu STG đang được giao dịch trên vùng đỉnh lịch sử quanh mức 53,800 đồng/cp. So với đầu năm, thị giá cổ phiếu đã tăng gần 50%.