Và việc Bộ Chính trị ban hành 2 Quy định về tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý cấp cao và các cấp nhận được nhiều sự đồng tình.
Có thể nói rằng, đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có những quy định hết sức cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, tránh việc cảm tính trước đây. Điều này được kỳ vọng sẽ là một bước tiến lớn, một “liều thuốc tốt” để chấm dứt một số bệnh trầm kha trong công tác cán bộ.
Công tác cán bộ thời gian qua thực sự là một trong những vấn đề “nóng” khi liên tục được nhắc đến, đi cùng với đó là không ít những tiêu cực. Không những có cán bộ tham nhũng bị kỷ luật, có cả cán bộ cấp cao đương chức và cả về hưu cũng bị xử lý với nhiều hình thức. Dù rằng việc xem xét, xử lý kỷ luật cá nhân, tổ chức vi phạm là việc làm không ai muốn, có khi rất đau lòng, nhưng cũng thể hiện sự quyết tâm, củng cố niềm tin của dân đối với Đảng. Đồng thời cũng truyền đi một thông điệp mạnh mẽ, cảnh tỉnh nghiêm khắc đối với những người làm công tác quản lý, lãnh đạo, nhất là những cán bộ cao cấp.
Nhưng, cũng chính từ những câu chuyện này mà việc lựa chọn cán bộ cũng trở thành đề tài được nói đến nhiều. Những câu hỏi liên quan đến việc bổ nhiệm có nhuốm màu lợi ích nhóm hay không vẫn cứ liên tục được đặt ra làm dư luận băn khoăn. Và có lẽ, chính sự dai dẳng, chằng chịt của lợi ích nhóm trong công tác cán bộ đã góp phần dẫn đến những cú rút ruột ngân sách lên đến cả nghìn tỷ đồng. Như với vụ việc Trịnh Xuân Thanh, có người đã đặt câu hỏi rằng, vì sao một người có vấn đề lại “đi” qua tất cả các khâu trong công tác cán bộ, trái với quy định của T.Ư. Để một cán bộ có thiếu sót được di chuyển đến những vị trí khác và tiếp tục vi phạm là làm hại cán bộ.
Cùng với đó là sự cồng kềnh và chất lượng cán bộ yếu kém, điều mà những người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã nhiều lần chỉ ra, đó là sự thật và nguy cơ. Tất cả, qua những câu chuyện đã xảy ra cho thấy, đây là một bài học lớn về kiểm soát quyền lực. Không ít ý kiến đã nhận định, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã giao cho một số cán bộ quản lý một khối lượng tài sản, của cải vật chất rất lớn mà không kiểm soát. Giao quyền lực mà không đi kèm cơ chế kiểm soát là điều đáng phải suy nghĩ. Có thể nói rằng, vừa qua, sự cương quyết trong xử lý các sai phạm, đẩy lùi những yếu kém, tiêu cực, lợi ích nhóm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức đang thể hiện sự nghiêm minh của Đảng. Tuy nhiên, ngăn chặn sự việc từ khi mới phát sinh, tránh những “ung nhọt” dù là nhỏ nhất, cũng là một vấn đề cần quan tâm và giải pháp thấu đáo.
Việc Bộ Chính trị đưa ra những quy định về tiêu chuẩn các chức danh, trong đó có quy định cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là những cán bộ tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc là một việc cần thiết. Đặc biệt, Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh đến những tiêu chuẩn như không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi, và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Chỉ đạo quyết liệt chống tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm. Tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi… Ngoài quy định chung, Bộ Chính trị cũng quy định các tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức danh…
Từ sự định lượng “cái gốc” rất cụ thể ấy, nhiều người mong muốn, từ những quy định này, người đứng đầu phải thật sự tiên phong gương mẫu, nói đi đôi với làm, có đức, có tài thật sự. Những Quy định sau khi ban hành sẽ là cơ sở để loại bỏ những cán bộ không có năng lực, không xứng đáng ra khỏi bộ máy. Đồng thời, xây dựng cơ chế giám sát bên trong, bên ngoài để cán bộ công chức không thể, không dám và không muốn vi phạm, tham nhũng. Bởi đi kèm với các quy định, nếu thực hiện nghiêm việc sàng lọc hàng năm, sẽ loại ra những cán bộ không còn đủ năng lực chuyên môn, đạo đức, sẽ không còn những “câu chuyện đau lòng” nói mãi.