Tuy còn khiêm tốn về số lượng so với các cường quốc dệt may khác nhưng những mẫu mã sản phẩm may mặc Việt Nam rất đẹp mắt. Các sản phẩm thời trang mùa hè của Công ty Thái Sơn và quần áo trẻ em của Công ty Babeeni do dàn người mẫu Pháp trình diễn trên sàn Catwalk được đông đảo người xem và các phóng viên thời trang đánh giá cao.
Nhân dịp này, Hiệp hội châu Âu – Việt Nam (European Vietnam Association) đã phối hợp với Thương vụ – Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức một hội nghị nhỏ về ngành dệt may Việt Nam. Ông Jean Francois Limantour, Chủ tịch Hiệp hội đã trình bày những xu hướng lớn của ngành dệt may thế giới và dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục vươn tới thứ hạng cao hơn nữa trong lĩnh vực này nếu Việt Nam có thêm các dự án hợp tác quốc tế lớn cả ở cấp Chính phủ và cấp doanh nghiệp.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định tầm quan trọng của ngành dệt may Việt Nam trong nền kinh tế quốc dân và chính sách của Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân phát triển ngành công nghiệp này.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Pháp, nhận xét, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU vừa kết thúc đàm phán cuối tháng 8/2015 sẽ tạo điều kiện thuận lợi lớn về tiếp cận thị trường EU cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam và nhiều cơ hội đầu tư tại Việt Nam cho các doanh nhân đến từ châu Âu. Những ưu thế của Việt Nam như lực lượng lao động đông đảo có tay nghề cao, thế hệ doanh nhân mới đầy năng động cùng với những cải cách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ có thể kết hợp với các thế mạnh của châu Âu như trình độ thiết kế thời trang cao cấp, khả năng marketing chuyên nghiệp và hệ thống phân phối rộng khắp để tạo nên sức cạnh tranh mới.