Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đo lường “sức khỏe” doanh nghiệp

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tình hình phát triển DN có chiều hướng tích cực, khi số DN thành lập mới và tái gia nhập gia tăng. Tuy nhiên, số DN rút lui khỏi thị trường cũng rất cao. Điều này cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của các DN trong giai đoạn hiện nay còn chưa hết khó.

Số doanh nghiệp thành lập mới tăng

Số liệu mới nhất từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT, cho thấy, thông tin khá tích cực trong bức tranh DN. Theo đó, 5 tháng năm 2024, cả nước có 64.758 DN thành lâp mới, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023 và 34.067 DN quay trở lại hoạt động, tăng 3,3%. Tính chung số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường là 98.825 DN, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2019 - 2023 (83.109 DN). Con số này đã cao hơn tổng số DN rút khỏi thị trường. Cụ thể, 5 tháng qua có 97.299 DN rút khỏi thị trường, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023.

5 tháng năm 2024, cả nước có 64.758 DN thành lâp mới.
5 tháng năm 2024, cả nước có 64.758 DN thành lâp mới.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đánh giá, phát triển DN có xu hướng tích cực. Tuy nhiên, số DN lập mới cao hơn nhưng chưa đáng kể, cho thấy hoạt động của DN vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, việc tiếp cận vốn tín dụng vẫn nhiều vướng mắc. Đến cuối tháng 5/2024, tăng trưởng tín dụng mới đạt 2,41%, nợ xấu có xu hướng tăng, số DN rút khỏi thị trường còn cao.

Tình hình đăng ký kinh doanh, thành lập DN là vấn đề nóng, được xã hội và dư luận quan tâm. Đặc biệt trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vừa qua tại Quốc hội, rất nhiều đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến tình hình DN.

Trong đó, đại biểu Nguyễn Việt Hà (đoàn Tuyên Quang) nêu lên thực tế, DN hiện nay thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế. Đây là khó khăn nổi cộm trong hoạt động kinh doanh của DN từ khi xảy ra dịch Covid-19, dù đến nay, tình trạng này đã, đang được cải thiện nhưng vẫn là khó khăn lớn của DN.

Không chỉ khó khăn từ môi trường bên ngoài, nội lực của DN cũng chưa được cải thiện khi quy mô và tuổi thọ của doanh nghiệp cũng giảm dần. Năng lực cạnh tranh yếu kém, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và thị trường. Đây là những vấn đề đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong trung, dài hạn.

Chia sẻ thực tế từ cộng đồng DN, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME) Mạc Quốc Anh cho biết, hiện DN, trong đó có DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là các thủ tục về vay vốn khi ngân hàng thương mại yêu cầu phải có thế chấp tài sản, trong khi khu vực này nhiều DN tài sản không đủ điều kiện vay để hoạt động. Thứ nữa là năng lực quản trị của DN nhỏ và vừa còn yếu. Tiếp đến là kỹ năng ra thị trường, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Các thủ tục, chính sách đôi khi chưa được tháo gỡ.

Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, các yếu tố chính ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của DN chế biến, chế tạo trong quý I/2024 thì yếu tố về nhu cầu thị trường trong nước thấp, chiếm 55,1%; yếu tố về nhu cầu thị trường quốc tế thấp, chiếm 34,2%. Tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài từ năm 2023 đến nay đã khiến cho DN phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí phải giải thể vì không còn đủ sức chống chịu

Gia tăng mức hỗ trợ

Trên thực tế, chất lượng, hiệu quả hoạt động của DN ảnh hưởng lớn đến việc huy động nguồn lực xã hội, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, tạo việc làm và giải quyết an sinh xã hội. Bởi thế, phải gỡ khó được cho DN, tạo điều kiện để ổn định đầu tư phát triển, thì nền kinh tế mới có thể thực sự phục hồi và tăng tốc phát triển.

Nói về những nguyên nhân của những khó khăn vướng mắc mà DN đang gặp phải, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) chỉ ra, đó là do tình hình thế giới có những bất ổn, ảnh hưởng đến đơn hàng xuất khẩu, nhập khẩu của các DN. Khả năng hấp thụ vốn, sức chống chịu bị bào mòn đến mức cạn kiệt sau đại dịch Covid-19 và các chính sách, các quy định của pháp luật còn thiếu đồng bộ và chưa nhất quán, nhất là các thủ tục hành chính rườm rà, nhiều tầng nấc là nguyên nhân chính dẫn đến các DN giải thể.

Trong báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế dẫn khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, nhu cầu thị trường trong nước thấp, tính cạnh tranh của hàng trong nước cao, nhu cầu thị trường quốc tế thấp là các yếu tố chính ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của DN chế biến, chế tạo trong quý I.

Bên cạnh đó, chi phí vận tải tăng khá mạnh so với cùng kỳ, đặc biệt là đường biển, kéo dài từ cuối năm 2022 đến nay, cũng khiến hoạt động của nhiều DN, đặc biệt là nhóm xuất khẩu, gặp không ít khó khăn. Các DN đều đang phải xoay xở để giữ đơn hàng, đa dạng hóa nguồn cung, hạn chế ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, mức độ hỗ trợ của Chính phủ phải nhiều hơn, đặc biệt là về tài khóa để tăng nhu cầu về đầu tư, nhu cầu về tín dụng để nền kinh tế có thể vận hành.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN phát triển, tại phiên họp Chính phủ sáng 1/6, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo các giải pháp cụ thể, trước hết tiếp tục tháo gỡ khó về thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN gia nhập thị trường, kinh doanh thuận lợi. Tiếp đến, cần cải thiện yếu tố đầu vào, đặc biệt là hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ, bao gồm tiếp tục duy trì và bảo đảm tính chất ổn định, hỗ trợ cho DN tăng khả năng tiếp cận tín dụng. Kiến nghị các cấp thẩm quyền tiếp tục xem xét các chính sách giảm thuế; giảm, hoãn phí, lệ phí… để tăng khoản tiền cho DN, hỗ trợ yếu tố đầu vào và các giải pháp cho các yếu tố đầu ra.

Liên quan đến thị trường xuất khẩu, Thủ tướng chỉ đạo, cần thúc đẩy các giải pháp để các DN sớm có các đơn hàng mới tăng thêm để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.