Đoàn tới thăm Việt Nam lần này gồm 18 DN của Thụy Điển trong các lĩnh vực như sản xuất và cơ sở hạ tầng với mục tiêu trao đổi với các cơ quan và đối tác của Việt Nam về các giải pháp sáng tạo và bền vững của Thụy Điển cũng như khả năng đầu tư của Thụy Điển trong các lĩnh vực đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam.
Trong chuyến thăm, Bộ trưởng và đoàn DN của Thụy Điển sẽ làm việc với lãnh đạo các thành phố, các bộ, ngành và đại diện cộng đồng DN để thảo luận về quan hệ thương mại Thụy Điển - Việt Nam. Đáng chú ý, đoàn sẽ gặp gỡ lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh, UBND TP Hà Nội, Bộ Công thương, Bộ GTVT, Bộ Ngoại giao, Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN. Bộ trưởng Ann Linde cũng sẽ có buổi hội kiến quan trọng với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Nhân chuyến thăm Việt Nam của đoàn DN Thụy Điển do Bộ trưởng Ann Linde dẫn đầu, Tổ chức thương mại Thụy Điển cùng Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội và Bộ KH&CN tổ chức buổi Thảo luận bàn tròn cấp cao về chủ đề "Giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo để phát triển - Chia sẻ kinh nghiệm giữa Thụy Điển và Việt Nam ". Bên cạnh đó, một hội thảo do Bộ Công Thương đồng chủ trì cũng sẽ được tổ chức về chủ đề "Giải pháp xây dựng xã hội bền vững - Chia sẻ kinh nghiệm giữa Thụy Điển và Việt Nam ". Cả hai sự kiệnnhằm để thảo luận về cách thức Thụy Điển và Việt Nam cùng chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, và cùng phát triển trong những lĩnh vực này.
Bà Ann Linde - Bộ trưởng Thương mại và Đặc trách EU cho biết “Chính phủ Thụy Điển đã thông qua một chiến lược xuất khẩu đầy tham vọng nhằm gia tăng thương mại và thúc đẩy sự tham gia của các công ty Thụy Điển trong nền kinh tế toàn cầu. Thương mại song phương và đầu tư trong khu vực Đông Nam Á - đầu tàu tăng trưởng của thế giới, là một phần quan trọng của mục tiêu này. Là nước có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới, Việt Nam có một vai trò quan trọng trong khu vực. Với việc triển khai thực thi Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam, trao đổi thương mại giữa Thụy Điển và Việt Nam, cùng với đó là đầu tư từ các công ty Thụy Điển đến Việt Nam, chắc chắn sẽ được mở rộng và phát triển”.
Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, tăng trưởng trung bình đạt 6% trong hai thập kỷ qua. Đất nước đang trong giai đoạn chuyển đổi nhanh chóng để trở thành một nền kinh tế có thu nhập trung bình. Bằng chứng là tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sản xuất công nghiệp ngày càng phát triển. Dự kiến sẽ có 52 triệu người sống ở các đô thị Việt Nam vào năm 2025, trong khi năm 2009 chỉ có 25 triệu người. Việc gia tăng dân số ở các thành thị cũng làm tăng nhu cầu sửu dụng năng lượng, di chuyển thường xuyên hơn và tăng tiêu dùng các loại hàng hóa. Đổi mới sáng tạo sẽ là một yếu tố quan trọng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, cũng như giải quyết một số thách thức mà đất nước đang phải đối mặt theo hướng dài hạn, bền vững.
Với sự tăng trưởng kinh tế, người dân cũng như DN kì vọng các giải pháp giao thông công cộng cho phép con người di chuyển dễ dàng, giảm thiểu tắc nghẽn, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cũng như các giải pháp năng lượng hiện đại cung cấp nguồn năng lượng chất lượng cao. Bên cạnh đó, các giải pháp về sản xuất cũng được kì vọng sẽ an toàn, hiệu quả hơn, có tuổi thọ lâu và đạt chất lượng các sản phẩm an toàn khi đến người tiêu dùng. Ngoài ra, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường của những giải pháp này cần được giảm thiểu để đáp ứng nhu cầu toàn cầu và mục tiêu phát triển bền vững.
Đổi mới sáng tạo là một trong những nhân tố quan trọng nhất góp phần cho quá trình phát triển của xã hội hiện đại. Trong lĩnh vực này, Thụy Điển là quốc gia dẫn đầu thế giới, được xếp hạng là quốc gia đổi mới sáng tạo nhất trong Liên minh châu Âu và xếp vị trí thứ 3 trên toàn thế giới vào năm 2016. Đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi trong chặng đường phát triển của Thụy Điển, từ một trong những quốc gia nghèo nhất của châu Âu ở thế kỷ trước, trở thành một trong những quốc gia phát triển nhất hiện nay.
Đại diện tập đoàn sản xuất ô tô Volvo và nhiều tập đoàn khác có mặt trong đoàn DN sang thăm Việt Nam. |
Thụy Điển chú trọng đầu tư vào đổi mới sáng tạo. Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển rất cao là một trong những bằng chứng rõ ràng nhất. Thụy Điển dành 3,6% GDP cho nghiên cứu, nhiều hơn mức trung bình 3% của toàn châu Âu. Sự vượt trội của Thụy Điển trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo này được minh chứng qua một thực tế là rất nhiều công ty đa quốc gia nổi tiếng về các giải pháp đổi mới sáng tạo là các công ty Thụy Điển như Volvo và Scania (xe buýt và xe tải), Axis (các giải pháp giám sát), Volvo Cars (xe ô tô), EF (dịch vụ giáo dục), ÅF (dịch vụ tư vấn kĩ thuật), EKN (giải pháp tài chính), Tetra Pak ( giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm dạng lỏng), Swedish Wood (gỗ), Höganäs (giải pháp về ngành cơ khí), SAAB (an ninh dân dụng) và rất nhiều các các DN khác. Một trong những chìa khóa thành công của Thụy Điển trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo là việc áp dụng rộng rãi mô hình Triple Helix, có nghĩa một khuôn khổ hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, các viện nghiên cứu/các trường đại học và khối DN trong việc thúc đẩy, tạo điều kiện và tiến hành nghiên cứu và phát triển.
Thụy Điển tự hào là một trong những quốc gia bền vững nhất thế giới. Nguồn năng lượng tái tạo của Thụy Điển chiếm thị phần cao nhất trong mảng năng lượng của đất nước. Chính phủ Thụy Điển cũng có tham vọng trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Không những thế, chính phủ đã dành 400 triệu SEK cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ môi trường.
Trong lĩnh vực sản xuất, các giải pháp sản xuất của Thụy Điển trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, đồ uống và công nghiệp chế biến gỗ nổi tiếng có tuổi thọ lâu bền và hướng đến môi trường làm việc an toàn cho công nhân trong nhà máy và đặt người tiêu dùng là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.