Doanh nghiệp hàng đầu Nga vô hiệu hóa “đòn” trừng phạt của phương Tây?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 80% các doanh nghiệp lớn nhất của Nga vẫn duy trì hoạt động tài chính ổn định trong năm 2022, bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt mạnh chưa từng có đối với Moscow.

Tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom tuyên bố vẫn hoạt động ổn định và mạnh mẽ bất chấp lệnh cấm vận của phương Tây. Ảnh: Tass
Tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom tuyên bố vẫn hoạt động ổn định và mạnh mẽ bất chấp lệnh cấm vận của phương Tây. Ảnh: Tass

Tass dẫn kết quả nghiên cứu của Cơ quan xếp hạng quốc gia Nga cho biết: “Trong năm 2022, khoảng 78% số doanh nghiệp lớn nhất của Nga vẫn duy trì ổn định về tài chính và 20% trong số này ghi nhận có biến động nhẹ trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ có 2% công ty hàng đầu tại Nga có báo cáo về tình hình “căng thẳng tài chính”.

Theo nghiên cứu trên, các biện pháp trừng phạt chống Moscow của phương Tây liên quan đến chiến sự tại Ukraine trên thực tế khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp hàng đầu nước này giảm so với năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ về chính sách từ chính phủ Nga trong quý 2 và quý 3 năm ngoái, các doanh nghiệp lớn trong nước đã duy trì ổn định về tài chính bất chấp áp lực từ các lệnh cấm vận của phương Tây.

Hồi tuần trước, Bloomberg đưa tin Liên minh châu Âu (EU) đã khởi động các cuộc đàm phán kín về gói trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine.

Nếu được thông qua, đây sẽ là gói trừng phạt thứ 12 của EU nhằm vào Moscow. Gói trừng phạt mới nhất có thể bao gồm lệnh cấm kim cương của Nga, ngăn chặn tối đa việc Moscow “né” lệnh cấm vận và trừng phạt các công ty ở các nước thứ ba đang “đứng sau hỗ trợ” Moscow thực hiện điều đó.

Theo nguồn tin từ Bloomberg, với gói trừng phạt thứ 12, Brussels được cho là đang muốn  mở rộng danh sách hạn chế “hàng hóa có công dụng kép” – loại sản phẩm có thể ứng dụng trong quân sự, mà Nga đã mua được thông qua các quốc gia thứ ba.

Ủy ban châu Âu (EC) trước đó cảnh báo, nếu các kênh ngoại giao không đủ để ngăn chặn các nước bên thứ ba tái xuất khẩu các sản phẩm bị trừng phạt, EU cũng có thể cấm xuất khẩu sang các quốc gia đó.

Nhà báo Rikard Jozwiak của Radio Free Europe cho biết, các cuộc thảo luận giữa EC và các đại sứ EU về gói trừng phạt mới nhằm vào Nga đã bắt đầu. Các nhà lãnh đạo châu Âu hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 12 đối với Moscow trong vòng 2 tháng tới.

Theo The New Voice of Ukraine, Litva, Estonia và Ba Lan đã đưa ra “đề xuất chi tiết” cho gói trừng phạt thứ 12 đối với Nga. Litva và Ba Lan kêu gọi EU thực hiện biện pháp trừng phạt đối với công ty Rosatom, ngừng mua uranium, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và thép của Nga.

Trong khi đó, Estonia đang có kế hoạch cấm vận thương mại hoàn toàn đối với Nga để ngăn chặn việc “né” các lệnh trừng phạt.

EU đã áp đặt gói trừng phạt thứ 11 vào tháng 6/2023, nhằm chống lại hành vi lách lệnh cấm vận, chủ yếu đối với các sản phẩm có công dụng kép và trong hoạt động buôn bán dầu mỏ của Nga.

Reuters hồi tháng 9 vừa qua đưa tin các nước G7 dự định áp đặt lệnh trừng phạt với lĩnh vực kim cương của Nga từ ngày 1/1/2024. Hiện Mỹ đã thực hiện lệnh cấm nhập khẩu kim cương thô từ Nga, trong khi Vương quốc Anh đã đưa ra lệnh cấm hoàn toàn đối với mặt hàng này của Moscow.

Bất chấp các lệnh cấm của Mỹ và Anh, doanh số bán kim cương của Nga vẫn tăng mạnh trong năm nay. Cuộc điều tra của Kyiv Independent tiết lộ, Alrosa - nhà sản xuất kim cương hàng đầu của Nga – Alrosa, vẫn tiếp tục bán hàng sang phương Tây thông qua trung gian ở các nước bên thứ ba.

Về phía Moscow, bình luận về khả năng EU sắp thông qua gói trừng phạt thứ 12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko hôm 21/10 khẳng định, nếu phương Tây có bất kỳ biện pháp hạn chế bổ sung nào, phía Moscow cũng sẽ cân nhắc động thái nhằm vô hiệu hóa các biện pháp trừng phạt đó và có hành động đáp trả nếu cần thiết. 

Đồng thời, ông Grushko nhấn mạnh, những biện pháp này gây tổn hại cho chính EU.