Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp “khát” nhân sự chất lượng

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần một tháng sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu, số sàn địa ốc đăng thông tin tuyển nhân sự cao – trung cấp tăng mạnh.

Cuộc cạnh tranh tìm người nóng hơn bao giờ hết bởi quá trình thanh lọc năm cũ đã khiến không ít môi giới “nhảy” việc.
“Hiện, chúng tôi vẫn tiếp tục tuyển dụng thêm, đồng thời đẩy mạnh sàng lọc để làm tinh nhuệ bộ máy, hướng tới mục tiêu phân phối các dự án chất lượng hơn trong năm nay” - Chủ tịch Liên minh các sàn bất động sản (BĐS) G5 Nguyễn Quốc Khánh cho biết.

Vào, ra liên tục

Theo thông lệ, cứ sau các đợt nghỉ lễ dài, tình trạng khan hiếm nhân sự BĐS lại tái diễn do các nhân viên có xu hướng “nhảy” việc. Lý giải về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, do DN và người lao động không gặp nhau ở điểm chung trong chính sách lương, thưởng, phúc lợi, chế độ đãi ngộ và văn hóa DN. Vì thế, nhu cầu bổ sung nhân sự của các công ty BĐS luôn lên tới hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người hàng năm, nhưng rất ít công ty tuyển đủ chỉ tiêu.
 Nhân viên kinh doanh dự án Diamond Lotus Riverside giới thiệu đến khách hàng thông tin căn hộ của dự án. Ảnh: Phạm Hùng
Đơn cử như Công ty CP Đầu tư và phân phối DTJ ngay từ đầu năm đã có đợt tuyển dụng quy mô lớn từ 500 - 1.000 chuyên viên BĐS cao cấp cho các sản phẩm chung cư, biệt thự, biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse… Hay hệ thống siêu thị dự án BĐS dù đăng tin tuyển dụng 100 nhân sự kinh doanh BĐS mỗi tuần nhưng vẫn luôn trong tình trạng “khát” nhân sự chất lượng. Nhìn vào thông tin đăng tuyển của các DN BĐS có thể thấy nhu cầu tăng thị phần thông qua hoạt động tăng nhân sự môi giới tìm kiếm khách hàng là nhiều nhất. Cũng có nhiều công ty đăng tuyển các vị trí lãnh đạo cấp cao nhưng xét về số lượng thì nhu cầu nhân viên môi giới áp đảo.

Giám đốc phụ trách tuyển dụng của một DN lớn tại Hà Nội chia sẻ, tính "liên tục" trong tuyển dụng nhân sự của ngành BĐS cũng bao hàm cả nguyên nhân sàng lọc khắc nghiệt. Dù thị trường hiện nay được đánh giá tốt hơn, nhưng chuyện một nhân viên bán hàng giỏi kiếm được vài tỷ đồng một năm từ hoa hồng như thời năm 2007 là điều không dễ dàng. Bởi, không phải DN nào cũng có dự án mới để triển khai đều đặn và tình trạng "cầu ảo" cũng đã chấm dứt, nên lượng giao dịch thành công bị hạn chế.

"Thay máu” để tồn tại

Không chỉ trong khối DN phát triển dự án, nhân sự mới có sự thay đổi, với lĩnh vực nghiên cứu, tư vấn - một lĩnh vực khá đặc thù cũng không tránh khỏi việc thay đổi nhân sự cấp cao. Cụ thể, đầu năm 2014, nhân sự cao cấp của Savills Việt Nam là ông Trần Như Trung, khi ấy đang là Phó Giám đốc chi nhánh Savills Hà Nội bất ngờ chuyển sang làm Phó Tổng Giám đốc của Tân Hoàng Minh. Chỉ ít lâu sau, ông Trung lại tiếp tục về đầu quân cho Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ đô (Thủ Đô Invest). Tuy nhiên, đến đầu năm 2017, ông Trung cùng đội ngũ truyền thông của mình đã chính thức trở thành người của Tập đoàn Nam Cường. Động thái “thay máu” nhân sự lãnh đạo cao cấp mới đây của Nam Cường thể hiện định hướng thu hút nhân lực nhằm xây dựng đội ngũ lãnh đạo có trình độ, kinh nghiệm.

Từ đầu năm nay, nhiều DN BĐS cũng ngỏ ý tuyển nhân sự chủ chốt. Công ty CP Tập đoàn Hà Đô tuyển hàng loạt vị trí từ Phó Tổng Giám đốc, Trợ lý tài chính, Trưởng phòng pháp chế… Công ty CP Tasco tìm người đảm nhiệm vị trí Giám đốc kinh doanh, Giám đốc tài chính… Mức lương cụ thể tại vị trí lãnh đạo đều không được tiết lộ, song nhiều DN khẳng định thu nhập cực kỳ hấp dẫn. Hầu hết những vị trí chủ chốt, các DN ít đăng tuyển công khai mà chủ yếu "chọn mặt gửi vàng" qua giới thiệu.

“Nhân sự chủ chốt” đang trở thành một trong những yếu tố sống còn đối với sức mạnh cạnh tranh của DN. Bởi có khả năng đem lại lợi nhuận và hiệu quả sản xuất, kinh doanh lớn. Từ thực tế này, theo giới thạo tin trong lĩnh vực BĐS, từ đầu năm nay, vị trí Giám đốc kinh doanh với nhiệm vụ đề ra chiến lược phát triển dự án, phân tích thị trường được tuyển nhiều nhất. Hầu như chỉ những người từng có chức sắc, tiếng tăm đối với thị trường mới được mời về.

“Nhân sự, cụ thể ở khâu bán hàng là bài toán khó của không ít DN, vì nếu chỉ chạy theo số lượng, tuyển dụng ồ ạt nhưng không được đào tạo bài bản sẽ rất khó kiểm soát quy trình vận hành. Trong khi đó, sự luân chuyển cán bộ cấp cao là động thái tốt nhằm tạo nên một lớp DN mới với những cách thức kinh doanh mới phù hợp với quá trình phát triển của thị trường. Việc điều chuyển nhân sự này sẽ tạo ra các sức ép đối với nhiều DN khác buộc phải có sự thay đổi về chiến lược và kế hoạch kinh doanh để tồn tại” - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhận định.