Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp lạc quan với triển vọng kinh tế năm 2017

Theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Trên 81% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý I năm nay sẽ ổn định và tốt lên…

Trong bối cảnh thị trường toàn cầu còn nhiều bất ổn, kinh tế thế giới chưa lấy lại được đà tăng trưởng, song nền kinh tế Việt Nam năm 2016 vẫn ghi dấu được nhiều gam màu sáng với việc về đích 11/13 chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.
Với những kết quả đạt được của kinh tế 2016, nhiều doanh nghiệp tỏ ra lạc quan với tình hình doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2017. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây cũng là một trong những động lực chính cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trong năm nay.
Nhiều doanh nghiệp tin tưởng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt lên năm 2017.
Theo Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê, có trên 81% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý I năm nay sẽ ổn định và tốt lên; trong đó, có 42,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 38,5% số doanh nghiệp cho rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định; chỉ có 18,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Còn theo khảo sát trước đó của Vietnam Report đối với 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam từ 2007 - 2016 về dự cảm cho năm 2017 cho thấy, các doanh nghiệp đã đánh giá khả quan đối với các mặt doanh thu, lợi nhuận và tổng thể tình hình sản xuất, kinh doanh nói chung và cho rằng, các kết quả sẽ tăng lên, hoặc ổn định so với cùng kỳ năm 2016.
Cùng với các kết quả khảo sát, ông Lê Duy Anh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuân Hòa cũng cho rằng, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào tương lai đang lớn dần. Để có được điều này phần lớn nhờ vào việc cải thiện môi trường kinh doanh cũng như các động thái tích cực của Chính phủ trong việc gỡ khó cho doanh nghiệp.
“Năm 2017 theo tôi đánh giá sẽ là một năm có tín hiệu tốt hơn đối với nền kinh tế nói chung. GDP dự kiến tăng trưởng cao hơn và việc ổn định kinh tế vĩ mô cùng với việc các doanh nghiệp mới mở ra rất nhiều khi Chính phủ khuyến khích thì đấy cũng là cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất nội thất như Xuân Hòa nói riêng. Chính vì thế, mục tiêu của công ty đặt ra trong năm 2017 là sẽ đạt mốc tăng trưởng 20% so với năm 2016”, ông Anh cho biết.
Bên cạnh đó, sự thông thoáng của Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp năm 2014, cùng với quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Nghị quyết 19 về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã giúp số lượng doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng mạnh trong năm 2016 và dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo.
Tại Diễn đàn phát triển Việt Nam năm 2016 với chủ đề “Chính phủ kiến tạo và hành động - Động lực mới cho phát triển” diễn ra cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định xây dựng hệ thống hành chính quốc gia thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp - là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của nhiệm kỳ 2016 - 2020. Với cam kết này sẽ tiếp tục tạo niềm tin và kỳ vọng cho người dân cũng như doanh nghiệp về môi trường kinh doanh ổn định trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Anh Dương - Phó trưởng Ban, Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Chính phủ thời gian qua đã tập trung tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, kể cả ở những vụ việc cụ thể liên quan đến việc thực hiện những quy định có thể cản trở điều kiện kinh doanh.
“Chính phủ và cơ quan của Chính phủ cũng rất chủ động trong việc đối thoại, tạo dựng môi trường đối thoại công khai, minh bạch và cởi mở về những vấn đề khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể như câu chuyện về những điều kiện kinh doanh chuyên ngành hay làm thế nào để tạo dựng môi trường hợp tác và liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, ông Dương chỉ rõ.
Cùng với đó, trong năm 2017, ngoài Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang phụ thuộc vào sự phê chuẩn của Mỹ, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam- EU, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP... cũng là những hiệp định thương mại có ý nghĩa quan trọng.
Theo TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế, năm 2017, bên cạnh yêu cầu đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi dậy nội lực, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước và kết nối khu vực này với các chuỗi giá trị toàn cầu, với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, cộng động doanh nghiệp cũng cần có một sự chuẩn bị để điều chỉnh hoặc tận dụng các lợi ích khi các hiệp định bắt đầu có hiệu lực.
“Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia đàm phán 16 hiệp định FTA và dù chưa có hay không có TPP thì 15 hiệp định khác đã, đang và sẽ thực thi, ký kết, đàm phán này cũng đủ chân trời, đủ thị trường để chúng ta tăng cường thương mại, thu hút đầu tư, đẩy nhanh cải cách và có cơ sở để hợp tác cũng như học hỏi để doanh nghiệp Việt Nam phát triển”, TS. Võ Trí Thành cho biết.
Các chuyên gia khẳng định, với những tín hiệu tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp kết hợp với ổn định kinh tế vĩ mô ngày càng được củng cố, sẽ giúp phục hồi và tăng thêm sinh lực cho và doanh nghiệp; mang đến các cơ hội, lòng tin và động lực mới để doanh nghiệp Việt mở rộng và phát triển kinh doanh.