Bớt gam màu xám
Để đánh giá tình hình doanh nghiệp năm 2023, cũng như triển vọng kinh doanh năm 2024, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã thực hiện khảo sát nhanh trực tuyến 2.734 doanh nghiệp. Từ kết quả khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp đã đa dạng về quy mô, loại hình, lĩnh vực với nhiều chỉ báo tích cực hơn với trước đó. Nhìn nhận của doanh nghiệp về triển vọng kinh tế trong năm 2024, khả năng tiếp cận vốn, thị trường, sản phẩm kinh doanh, dự kiến hoạt động sản xuất kinh doanh… dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung, bức tranh kinh tế đã bớt “xám màu” so với trước. Điều này cho thấy, niềm tin của doanh nghiệp đã dần trở lại, nhưng cần phải nuôi dưỡng trong bối cảnh còn nhiều biến số.
Giám đốc Văn phòng Ban IV Phạm Thị Ngọc Thủy thông tin, đánh giá của doanh nghiệp về khả năng tiếp cận vốn trong năm 2024 còn ở chiều tiêu cực nhưng có cải thiện về nhận định. Bởi vốn là đầu vào quan trọng cho sản xuất, kinh doanh nên khi cơ hội tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp chưa tích cực thì khả năng phục hồi và phát triển sẽ bị hạn chế.
Trong bối cảnh đó, các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đang cụ thể hóa thành hành động, nhưng để nền kinh tế và doanh nghiệp hấp thụ được hiệu quả của các chính sách này còn cần một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, cần tiếp tục được quan sát, đánh giá ở các kì tiếp theo mới có thể phản ánh rõ nét hơn các kết quả điều chỉnh cơ chế, chính sách.
Số liệu cho thấy, về triển vọng thị trường, đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực giảm từ 80% xuống còn 64,3%; trong khi đó tỷ lệ đánh giá rất tích cực gấp hơn 2,5 lần; tỷ lệ đánh giá tích cực gấp hơn 2 lần.
Áp lực dòng tiền là khó khăn lớn của doanh nghiệp trong cả năm 2023, các chính sách tạo dòng tiền được đánh giá cao, trong đó “Gia hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, tiền thuê đất; Giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ; Giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước”.
Cởi gỡ những nút thắt
Từ thực tế, theo bà Ngọc Thủy, các kiến nghị của doanh nghiệp vẫn tập trung vào một số vấn đề: Tiếp tục giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh của DN; Tiếp cận vốn vay; Tiếp cận thị trường và Cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.
Trong bối cảnh doanh nghiệp chưa tiếp cận hiệu quả vốn vay do tình hình kinh doanh chưa khả quan về lượng đơn hàng, việc hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp nên tiếp tục ưu tiên xử lí nhằm góp phần giảm tải áp lực tài chính...
Đề xuất thay đổi các quy định về giới hạn 30% lãi vay ngân hàng trong giao dịch liên kết; thay đổi chính sách thuế thu nhập cá nhân cho phù hợp tình hình mới. Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho DNNVV về 18%, sau đó về 15% để giúp DN củng cố nguồn lực trong ngắn hạn.
Đồng thời, NHNN xây dựng chính sách giải ngân với lãi suất thực vay thấp hơn, điều kiện vay cải thiện, thủ tục nhanh hơn và tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh. Các khoản vay lưu động tăng thêm thời hạn đáo hạn để giảm áp lực về dòng tiền cho các doanh nghiệp.
"Nên có nguồn vốn lãi suất thấp, điều kiện vay không quá khó khăn, nhìn vào khả năng trả nợ trong tương lai, đánh giá thương hiệu doanh nghiệp, hay các số liệu về người lao động, hoặc bằng cách chứng minh hiệu quả mô hình kinh doanh, theo kết quả báo cáo tài chính để giúp các doanh nghiệp nhỏ có vốn sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn để duy trì, phát triển" - bà Ngọc Thủy nêu.
Đối với tiếp cận thị trường, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, nên tổ chức các diễn đàn, chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ... theo từng chủ đề, ngành hàng cụ thể. Ngoài ra, kích thích tiêu dùng thông qua việc khoan sức dân, hạn chế sự lạm dụng các quy định pháp luật nhằm hỗ trợ yếu tố gốc rễ của nền kinh tế là tiêu dùng cá nhân.
Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Chính phủ cần quyết liệt hơn trong việc cải cách thủ tục hành chính ở các tỉnh. Hiện các hoạt động hành chính đôi khi chậm, hiệu quả thấp... khiến doanh nghiệp đánh mất nhiều cơ hội đầu tư phát triển dẫn đến ngại mở rộng quy mô hoạt động.
Một điểm nghẽn được chỉ ra, hiện doanh nghiệp nợ thuế thì Cục thuế được áp dụng việc phong tỏa tài khoản và khóa xuất hóa đơn. Đề xuất ngành thuế không áp dụng việc khóa xuất hóa đơn VAT, vì doanh nghiệp nợ thuế có thể do cũng bị khách hàng nợ vốn. Nếu khóa sẽ khiến doanh nghiệp bị dừng kinh doanh, gây ảnh hưởng tới cả chuỗi cung ứng liên quan.
Hiện các khó khăn và thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp đang đối diện cần cởi gỡ: khó khăn về đơn hàng (59.2%); tiếp cận vốn vay (51.5%); thủ tục hành chính (45.3%); thông tin thị trường (27.7%).