Doanh nghiệp phụ trợ ngành vận tải lao đao

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó nhiều DN vận tải chưa kịp phục hồi đã hứng chịu thêm tác động mới dẫn tới ngày càng điêu đứng. Cùng với DN vận tải, một loạt các DN phụ trợ trong lĩnh vực này cũng gặp khó khăn, nguồn thu giảm mạnh.

Doanh thu giảm mạnh

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội Nguyễn Anh Toàn cho biết, phía cung cấp dịch vụ bến xe cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, thậm chí thiệt hại lớn hơn cả DN vận tải. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn có những mức hỗ trợ đối với DN kinh doanh vận tải hành khách đang sử dụng dịch vụ của bến.
 Bến xe khách Mỹ Đình, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Đại diện một DN kinh doanh chuyên phục vụ kho, bãi và phụ trợ chia sẻ, doanh thu của đơn vị đã giảm đến 50% so với thời kỳ trước khi có dịch Covid-19. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do bị chậm thanh toán hợp đồng, hạn chế tối đa chi phí cho các dịch vụ đang thuê hỗ trợ. Trong khi đó, một số đối tác kinh doanh vận tải đã gửi thư đề nghị giảm chi phí thuê kho, bãi tới 30 - 40% khiến nỗi lo càng lớn hơn.
“Trên quan hệ đối tác, tôi cho rằng giữa DN phụ trợ với DN kinh doanh vận tải cần phải có sự hỗ trợ lẫn nhau. Nhưng cái khó ở chỗ bản thân chúng tôi cũng đang chịu gánh nặng về các khoản thuế, phí, lãi ngân hàng, bảo hiểm xã hội cho người lao động” - vị này cho biết.

Nói về khó khăn của các DN phụ trợ trong lĩnh vực vận tải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Văn Bằng dẫn chứng, Bến xe Mỹ Đình bình thường thu từ 800 - 1.000 lượt xe/ngày nhưng giờ chỉ còn 200 - 300 lượt. Đó là sự sụt giảm nghiêm trọng trong sản lượng, bản thân bến cũng khó khăn. Khi sản lượng đầu xe xuống thấp thì bản thân các bến cũng gặp khó khăn nhưng vì chia sẻ khó khăn với DN kinh doanh vận tải, bến đã giảm thu các chi phí dịch vụ, điều chỉnh yêu cầu về số xe hoạt động.

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch Covid-19. Hàng loạt kiến nghị đã được các hiệp hội đề xuất như giảm thuế giá trị gia tăng về 0% trong thời gian 12 tháng; giãn nộp số nợ bảo hiểm xã hội đến 31/12/2021 (không tính lãi nộp chậm) cho các DN vận tải, bến xe.

Theo ông Khúc Hữu Thanh Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng, việc giảm thuế cho DN bến, bãi xe cũng chính là giảm gánh nặng cho DN kinh doanh vận tải. Thứ nhất là bến, bãi có khả năng giảm chi phí, thứ hai là cạnh tranh về giá, điều này giúp DN phụ trợ dễ dàng cân đối tài chính hơn. "Tuy cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều chính sách, phương án hỗ trợ nhưng DN vẫn khó tiếp cận chính sách. Đây là vấn đề cần được quan tâm giải quyết” - ông Khúc Hữu Thanh Hải nói.

Đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội và Hải Phòng đều nêu ý kiến cho rằng, lúc này DN cần sự hỗ trợ từ phía các ngân hàng về chính sách giãn nợ. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Văn Bằng, cần có chính sách linh hoạt, cụ thể đối với đặc thù từng địa phương nơi bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19 mà không thể hoạt động, không có doanh thu và nơi ít ảnh hưởng hơn. “Hiện nay, các bên đang cố gắng hỗ trợ nhau nhưng khó khăn vẫn chồng chất. Theo tôi, bên kinh doanh bến bãi cũng phải được hỗ trợ như DN kinh doanh vận tải” - ông Bằng chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần