Doanh nghiệp vẫn “rối” với hóa đơn điện tử

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nỗ lực đổi mới của Bộ Tài chính về cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan đã giảm bớt gánh nặng đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là việc triển khai quy định hóa đơn điện tử và hoàn thuế giá trị gia tăng.

Đây là chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp, tại Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2023, do Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, sáng 13/12.

100% thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 60 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó có: 11 nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH; 19 nghị định của Chính phủ; 4 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 26 Thông tư của Bộ Tài chính).

Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với tổng giá trị dự kiến là khoảng 196 nghìn tỷ đồng, trong đó: Số tiền được gia hạn khoảng 121 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 75 nghìn tỷ đồng.

Doanh nghiệp vẫn “rối” với hóa đơn điện tử - Ảnh 1
Quang cảnh hội thảo

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cụ thể là ngành Thuế, ngành Hải quan cũng đã triển khai nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Từ năm 2014 đến nay (09 năm liên tiếp), Bộ Tài chính luôn xếp trong nhóm 3 Bộ đứng đầu về Chỉ số cải cách hành chính do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố. 

Đáng chú ý trong lĩnh vực thuế, đến nay hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc với 99,9% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 99% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử; 99% doanh nghiệp tham gia hoàn thuế giá trị gia tăng điện tử.

Tính chung đến nay, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp trực tuyến. Trong đó tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 464 thủ tục (đạt tỷ lệ 57,07%) và hoàn thành kết nối, tích hợp 296/464 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 63,79% (vượt hơn 30% so với yêu cầu của Chính phủ) qua đó giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan tài chính và nhận được sự đánh giá cao.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công khẳng định, nhiều đổi mới của Bộ Tài chính và 2 Tổng cục Thuế, Hải quan đã thực sự giảm bớt gánh nặng đối với các doanh nghiệp. Cụ thể như việc cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hoạt động của ngành, triển khai cơ chế tự động hải quan, cơ chế liên thông với các cơ quan trong bộ máy hành chính, qua đó đẩy mạnh quá trình đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, nguồn lực, kiểm soát có hiệu quả các quy trình, tạo cơ sở để doanh nghiệp hoàn thành tốt các quy trình thủ tục, giảm chi phí và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

Còn nhiều vướng mắc

Trong khuôn khổ hội nghị, các doanh nghiệp đã nêu những vướng mắc liên quan tới thuế và hải quan. Trong lĩnh vực thuế, nhiều doanh nghiệp phản ánh về thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng, về hóa đơn điện tử, về quy định nộp thuế tại địa phương đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nhiều tỉnh, vấn đề đảm bảo uy tín cho doanh nghiệp khi xử lý chậm nộp thuế, một số quy định mới về nợ đọng thuế tính gộp cho doanh nghiệp, không theo từng công trình...

Trong lĩnh vực Hải quan, nhiều doanh nghiệp phản ánh về thời gian giải quyết thủ tục điện tử, việc cấp giấy phép nhập khẩu tiền chất, việc hoàn thuế xuất nhập khẩu, kiến nghị giảm thời gian hoàn thuế nhập khẩu, kiến nghị về quy định rõ số lần soi chiếu hàng hóa, về cơ chế hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp chế xuất.

Cụ thể, liên quan tới hóa đơn điện tử, đại diện đến Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn đang rất băn khoăn về những vướng mắc khi xuất hóa đơn tại các cây xăng. “Muốn triển khai, các cây xăng phải lắp đặt thiết bị in hóa đơn điện tử. Việc lắp đặt thiết bị in sẽ rất tốt kém, trong khi nhu cầu của khách yêu cầu xuất hóa đơn điện tử mỗi lần đều rất ít, có thể nói là đa số không có nhu cầu” - đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Tuyên Quang nêu ý kiến.

Cũng liên quan đến hóa đơn, đại diện Công ty TNHH Aeon mall Him Lam hỏi về việc kê khai hóa đơn có ngày lập khác ngày ký có hợp lệ không.

Về hoàn thuế giá trị gia tăng, đại diện Công ty CP thương mại xuất nhập khẩu An Phát cho biết, doanh nghiệp đã nhiều lần xuất khẩu tinh bột sắn nhưng 4 năm qua vẫn chưa được hoàn thuế giá trị gia tăng.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính đã giải đáp trực tiếp các vướng mắc của doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đề nghị, ngoài những câu hỏi, những vấn đề đã được đề cập nêu trên, nếu doanh nghiệp còn có vấn đề chưa được rõ, các doanh nghiệp có thể trực tiếp hoặc thông qua VCCI hoặc từ các Hiệp hội doanh nghiệp tập hợp và gửi đến Bộ Tài chính, cùng Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để được giải đáp kịp thời.

Cùng với đó, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa trong lĩnh vực thuế và hải quan theo hướng tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ thuế với ngân sách Nhà nước.