Sắp “chết đuối” nhưng “phao” lại ở quá xa
Từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cũng như tất cả các nhà xe chạy tuyến Hà Nội - Lạng Sơn, đội xe của Công ty TNHH MTV Ninh Quỳnh đều dừng hoạt động. Giám đốc Công ty Nguyễn Duy Ninh chia sẻ: “Nói là dừng hoạt động từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nhưng thực ra từ lâu lắm rồi, DN của tôi chỉ hoạt động cầm chừng để duy trì nốt chứ không có khách đi”.Trong thời gian qua, cũng như hầu hết các DN vận tải khác, Công ty TNHH MTV Ninh Quỳnh rất trông chờ vào gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ bởi đây gần như là chiếc “phao cứu sinh” duy nhất giúp DN không bị “chìm nghỉm” trong cuộc khủng hoảng thua lỗ và phá sản vì dịch bệnh. Tuy nhiên, khi gói hỗ trợ này chính thức được triển khai, DN lại không dễ với tay đến chiếc “phao cứu sinh” ấy bởi có quá nhiều quy định ràng buộc.
“Theo Nghị quyết 68, DN được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% với điều kiện phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, DN cũng không được có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn” - ông Ninh nói và cho rằng đây là những điều kiện mà các DN vận tải như công ty của ông rất khó thực hiện. Trong suốt gần 2 năm qua khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát rất nhiều lần, các DN vận tải bị ảnh hưởng nguồn thu trầm trọng. Để duy trì được hoạt động của DN đến thời điểm này, phần lớn DN phải đi vay và câu chuyện nợ xấu là điều khó tránh khỏi.Nắm bắt nhu cầu thực sự của doanh nghiệpVới DN vận tải khách tuyến cố định như Công ty TNHH MTV Ninh Quỳnh đã khó tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, thì những DN vận tải khách bằng xe taxi còn khó hơn bội phần. Bởi phần lớn họ vẫn đang cố duy trì hoạt động một số lượng xe nhất định, trong khi gói hỗ trợ này chỉ áp dụng đối với những DN dừng hoạt động để cách ly, người lao động bị cách ly, giãn cách, số lượng xe dừng hoạt động 100%.
Giám đốc Mai Linh Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết, hiện taxi Mai Linh chỉ dừng hoạt động 50% còn lại được phép chở 50% chỗ ngồi. Điều này đồng nghĩa với việc DN này không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn vay từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Điều đáng nói là taxi Mai Linh đang cố gắng duy trì hoạt động khoảng 200 xe tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với mục đích chính là phục vụ người dân đi khám chữa bệnh.Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, các DN vận tải đã trông chờ rất nhiều vào gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng để “cứu” họ thoát khỏi khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, những điều kiện ngặt nghèo để DN có thể tiếp cận nguồn vốn vay này vô hình chung lại trở thành rào cản lớn đối với các DN vận tải. Theo ông Thanh, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cũng như bất cứ chính sách nào khi đưa ra cần đảm bảo tính phù hợp để phần lớn những đối tượng mà chính sách hướng đến có thể tiếp cận được. Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục nới lỏng các điều kiện, đối tượng được tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng để vực dậy ngành vận tải bởi lĩnh vực này đang trong tình trạng kiệt quệ. “Cần phải có sự thống nhất trong triển khai và sự tương tác nhiều hơn giữa cơ quan quản lý và DN để nắm bắt nhu cầu thực sự. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các chính sách an sinh cần đảm bảo tính dài hạn và linh hoạt” - ông Quyền nói.
"Bộ GTVT vừa báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện, Văn phòng Chính phủ đang xin ý kiến các Bộ, ngành về đề xuất của Bộ GTVT. Thời gian qua Bộ GTVT cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ các DN vận tải đường bộ như hỗ trợ mức thu một số khoản phí, lệ phí đến hết năm 2021; giảm 30% phí bảo trì đường bộ đối với DN vận tải hành khách, 10% xe tải và hỗ trợ các phương tiện mua vé tháng, vé quý qua các trạm BOT; lùi quy định lắp camera trên xe kinh doanh vận tải." - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT Trần Bảo Ngọc. |