Doanh nghiệp Việt kiều: Cầu nối đưa hàng Việt ra thế giới

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - ''Cộng đồng DN Việt kiều đang trở thành một kênh kết nối quan trọng đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới''. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khi nói về việc phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài.

Tiềm năng doanh nghiệp Việt kiều
Thương vụ Việt Nam tại Úc thông tin, từ ngày 18/8 - 27/9, Hệ thống siêu thị MCQ và Công ty AusViet thực hiện Chương trình xúc tiến thương hiệu gạo Việt Nam “Viet Nam, Land of World’s Best Rice” (Việt Nam, vùng đất của gạo ngon nhất thế giới) tại thị trường Úc. Theo đó, 10.000 túi gạo thương hiệu Ban Mai Cung Đình sẽ được hệ thống siêu thị MCQ do người Việt Nam thành lập từ năm 1992 tại TP Perth tặng khách hàng dùng thử. Cũng trong thời gian này tại TP Melbourne, Công ty AusViet tặng hàng trăm túi gạo ST25 tới người tiêu dùng Úc.
Đây không phải là lần đầu tiên cộng đồng DN Việt kiều giới thiệu nông sản Việt tới thị trường thế giới. Tháng 6/2021 lần đầu tiên EU nhập khẩu vải tươi Việt Nam thông qua hệ thống bán lẻ của DN Việt kiểu. Giám đốc siêu thị Thanh Hùng (TP Spijkenisse, Hà Lan) Vân Anh thông tin, những năm trước siêu thị bán vải Trung Quốc chất lượng không bằng vải Việt Nam với mức giá 22-25 euro/kg, do đó, khi quả vải tươi Việt Nam được bán với giá 18 euro/kg chất lượng hơn hẳn hàng Trung Quốc đã "hút" khách hàng.
 Siêu thị của Việt kiều tại Úc đầu tư khai thác

Tại hội thảo “Kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam” do Bộ KH&CN vừa tổ chức, Chủ tịch Liên hiệp các Hội DN người Việt ở châu Âu Hoàng Mạnh Huê nêu rõ, người Việt ở EU hiện có cơ sở vật chất rất tốt để phát triển kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong nước. Hơn nữa DN Việt kiều có sự hiểu biết nhất định về phong tục tập quán, thị hiếu người dân châu Âu. “Vì vậy chúng tôi sẵn sàng làm đại lý và đại diện cho hàng hóa Việt Nam tại châu Âu”, ông Hoàng Mạnh Huê khẳng định.
Đồng tình với ý kiến này đại diện các Hội DN Việt Nam tại châu Âu, Mỹ, Úc đều cam kết, sẵn sàng làm cầu nối hàng Việt tới người tiêu dùng bản địa. Chủ tịch Tập đoàn Tamda Foods tại Cộng hòa Czech Hoàng Đình Toàn cho biết, hệ thống bán lẻ Tamda Foods mong muốn tiếp tục hợp tác với các DN trong nước đưa sản phẩm Việt Nam sang châu Âu tiêu thụ.
Còn nhiều thách thức
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù hàng Việt có nhiều tiềm năng tiêu thụ ở nước sở tại thông qua DN Việt kiều nhưng trong quá trình xuất khẩu vẫn còn nhiều thách thức. Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, hàng Việt trong quá trình xuất khẩu còn bị vướng các rào cản thương mại về tiêu chuẩn môi trường, lao động, nguồn gốc xuất xứ... Đặc biệt, hàng Việt Nam còn phải tuân thủ nghiêm ngặt về chất lượng, mẫu mã sản phẩm theo quy định pháp luật nước sở tại.

Bà Emily Nguyễn - đại diện DN xuất nhập khẩu của Mỹ cho biết, Việt Nam đứng đầu thế giới về vùng trồng thanh long nhưng chỉ có chừng 5% thanh long vào được Mỹ, nguyên nhân là do mỗi bang có quy định về chất lượng, mẫu mã, nguồn gốc xuất xứ khác nhau nên nhiều mặt hàng Việt Nam chưa thể đáp ứng được hết nhưng tiêu chuẩn này.
Tương tự, Chủ tịch Hội DN Việt Nam tại Ba Lan Hoàng Xuân Bình cho rằng, việc hợp tác giữa 2 thị trường Việt Nam-Ba Lan thời gian qua cho thấy hàng Việt ít cải tiến mẫu mã nên chưa thu hút được người dân bản địa tiêu thụ. “DN Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện mẫu mã sản phẩm theo tâm lý người dân các nước EU. Các trung tâm thương mại của cộng đồng người Việt ở EU cũng cần hỗ trợ  DN Việt Nam xuất khẩu khi có sẵn đầu mối để hợp tác tiêu thụ”, ông Hoàng Xuân Bình hiến kế.
 Của hàng bán lẻ của Việt kiều tại Úc

Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội DN Việt kiều tại châu Âu Hoàng Mạnh Huê, để đưa hàng Việt ra nước ngoài, cần thiết lập kênh thông tin hàng hóa thông qua các Hiệp hội Việt kiều ở châu Âu, các thương vụ Việt Nam. Khi có sự kết nối chặt chẽ với cộng đồng DN Việt kiều sẽ hiện thực hóa cơ hội kết nối giao thương.
Thực tế trong thời gian qua, nhiều DN Việt Nam đã đưa hàng Việt xâm nhập thị trường châu Âu, Mỹ, Úc... Tuy nhiên, với các DN nhỏ và vừa của Việt Nam lại không hề dễ dàng bởi thiếu kinh phí marketing, giới thiệu sản phẩm... Vì vậy  ông Hoàng Xuân Bình cho rằng trong thời gian tới các DN Việt Nam nên đẩy mạnh liên kết với DN Việt kiều trong việc quảng bá sản phẩm Việt, qua đó có thể giảm chi phí, tăng cơ hội thâm nhập thị trường nước sở tại.
Nhằm hỗ trợ DN Việt Nam quảng bá, tiêu thụ hàng Việt tại nước ngoài thông qua DN  Việt kiều, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 116/KH-UBND thực hiện năm 2021 triển khai đề án Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài.
Cụ thể Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền, huy động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối. Phó Giám đốc Nguyễn Thanh Hải thông tin, Sở Công Thương sẽ phối hợp với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài kết nối giao thương,  quảng bá hàng Việt  tại thị trường trọng điểm như Mỹ, Nga, Đông Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Sở Công Thương Hà Nội sẽ vận động các hiệp hội DN người Việt Nam ở nước ngoài trở thành đầu mối nhập khẩu trực tiếp hoặc trung gian đưa hàng Việt Nam nói chung, hàng do TP Hà Nội nói riêng vào hệ thống bán lẻ nước sở tại. Đồng thời, giới thiệu sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm đặc sản vùng miền của Hà Nội tới cộng đồng người Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Phó  Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải